Say ánh chiều ở Mồ Dề
Thong dong trên con xe máy cà tàng khám phá mùa lạ ở Mù Cang Chải, anh Giàng A Lù - một người bạn bản địa - dẫn chúng tôi đi một cung đường "thật lạ" mà không nhiều du khách nào biết đến. Theo lời giới thiệu của A Lù, đi cung này sẽ nhớ mãi không quên.
Từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi rẽ lên con đường bê tông nhỏ dẫn vào xã Mồ Dề, nơi có những dãy núi cao một bên ôm ấp thị trấn Mù Cang Chải, phía còn lại giáp với xã Phình Hồ (huyện Văn Bàn, Lào Cai).
Hai bên đường, những tán cây rừng che chắn, xòa bóng mát, cảnh sắc hoang sơ nhưng đầy thi vị. Giữa màu xanh ngút ngàn của núi, làn gió mát lạnh thổi phà phà vào mặt, tiếng suối xa róc rách khiến tâm hồn như được chữa lành sau bao bộn bề, mệt mỏi của một năm vừa qua.
Mật độ dân cư ở đây không cao, thi thoảng lại thấp thoáng vài nếp nhà xinh xắn. Và đặc biệt, ở Mồ Dề, nhiều ngôi nhà của người Mông vẫn còn được lợp bằng gỗ cây pơ mu từ rất lâu rồi, loại gỗ có độ bền cao dù phơi mưa, phơi nắng.
Suốt dọc cung đường khoảng 20km, chúng tôi cứ ngẩn ngơ bởi cảnh sắc hùng vĩ, đầy lạ lẫm. Mùa này Mù Cang Chải không có những thửa ruộng bậc thang nhuộm xanh, nhuộm vàng của lúa, cũng chẳng có cảnh sắc óng ánh của mùa nước đổ, nhưng với ai thích khám phá đây sẽ là mùa tuyệt vời để trải nghiệm.
Từ con đường tít cao trên đỉnh núi, cả thị trấn Mù Cang Chải như gói gọn trong tầm mắt. Còn xa kia, hồ thủy điện Khao Mang như con rồng xanh lấp lánh dưới ánh hoàng hôn. Khung cảnh khiến ai nhìn thấy cũng phải say, dù chẳng cần men rượu.
Mùa này, lớp lớp những thửa ruộng bậc thang chỉ còn trơ gốc rạ, trông trần trụi với màu nâu của đất. Thi thoảng lại bắt gặp những con dê béo đang gặm nhấm từng miếng cỏ bên nương. Đôi khi lại là vài con gà, con ngan, con lợn đen thơ thẩn kiếm ăn bên đường.
Chẳng dừng lại ở đâu lâu, chúng tôi đơn giản chỉ là đi và ngắm nghía, hít hà không khí trong lành của Mù Cang Chải. Nhưng quả thực, bất cứ khung hình nào được lưu lại trong trí nhớ tôi trên cung đường này đều đẹp, đều ấn tượng.
Sau hơn hai tiếng rong ruổi ở Mồ Dề, chúng tôi quay trở về trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, nạp lại năng lượng và sẵn sàng cho những khám phá mới.
Xuân về La Pán Tẩn
Khác với sự hoang sơ, mộc mạc của ruộng bậc thang đang chờ vào vụ mới, xã La Pán Tẩn lại ngập sắc xuân với những cánh hoa tớ dày tô hồng bản Mông. Mù Cang Chải đang vào xuân rồi!
Con đường vào La Pán Tẩn cũng quanh co, uốn lượn nhưng có phần dễ đi hơn so với đường lên Mồ Dề. Qua đồi mầm xôi chỉ còn màu nâu trầm, qua nhưng ngọn đồi mờ mờ trong màn sương sớm mùa đông, từng cây hoa tớ dày - hoa đào của người Mông dần xuất hiện.
Từ một vài cây đứng cô đơn ven đường, càng đi sâu loài hoa này lại càng hiện diện nhiều hơn, báo hiệu mùa xuân đã về, bà con Mù Cang Chải chuẩn bị vào vụ mới.
Mùa đông ở đây không âm u như Hà Nội. Trời lạnh những có nắng. Nắng chiếu xiên khiến những cánh tớ dày thêm lung linh. Bên đường, chị em phụ nữ Mông tranh thủ vừa sưởi nắng, vừa thêu những họa tiết thổ cẩm lên vải. Đó là công việc họ vẫn thường làm lúc nông nhàn.
"Rẽ phải, gặp ngã ba lại rẽ xuống" chúng tôi đi theo đúng chỉ dẫn của người dân bản địa, kỳ thực cuối cùng cũng đến nơi - bản Trống Tông. Đây là bản có nhiều hoa tớ dày nhất và cây nào, cây nấy đều cao lớn, mọc tự nhiên khắp sườn đồi.
Nhìn những đứa trẻ xúng xính trong bộ trang phục truyền thống của người Mông nô đùa, chơi xích đu, cười khúc khích dưới tán hoa hồng rực… chúng tôi như trở về thời thơ ấu, quên hết âu lo háo hức mong Tết đến.
À thì ra mùa này ở đây là vậy, Mù Cang Chải một mùa thật lạ!
Nếu ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) đã nổi tiếng với du khách gần xa bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, giữa núi rừng, thì nghệ thuật khèn Mông và vẽ sáp ong bình dị của bà con người Mông lại mang đến trải nghiệm văn hóa bản địa sống động.