Mấy chục năm sau, những học trò ấy không thể nào quên hình ảnh người thầy tận tâm và đáng kính.
Bữa cơm bụi của thầy giáo
"Bữa cơm ngon nhất thời sinh viên của mình có lẽ là những bữa cơm có thầy đến thăm" - anh Vũ Trung Kiên, hiệu trưởng Trường THPT Gia Viễn B (Ninh Bình), xúc động tâm sự về người thầy Dương Minh Đức của mình.
Đầu thập niên 1990, anh với cậu bạn cùng đỗ khoa vật lý Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Cả hai ở chung phòng ký túc xá, suất cơm sinh viên gạo bở bùng bục, ăn xong đến nửa buổi đã đói meo.
Hôm ấy mới tan học, anh giật mình nhận ra dáng quen thuộc của người thầy đứng đợi ngay cầu thang ký túc xá. A, thầy Đức! Anh thốt lên vì bất ngờ.
Ngày ấy đón xe khách từ Ninh Bình lên Hà Nội có khi mất cả ngày, thế mà người thầy giáo lọ mọ vào tận ký túc xá thăm sinh viên.
"Chúng em đi ăn với thầy", thầy nói ân cần như cha chú trong gia đình. Ba thầy trò vào căng tin, suất cơm không cho tất cả vào cái âu nhựa như mọi lần mà có từng đĩa. Đĩa thịt kho dừa, chả lá lốt, rau xào lại còn được "khuyến mại" thêm bát nước rau luộc.
Ngày ấy sinh viên đứa nào cũng gầy tóp má, ăn chẳng đủ no. Bữa cơm bụi cùng thầy với các anh là bữa "cải thiện".
"Xúc động thực sự - anh Kiên nói - Ngày mình còn học phổ thông, thầy quan tâm từng chút để mình cố gắng học. Đến khi đỗ đại học, thầy vẫn đến động viên. Thầy thăm hỏi trò mà không phải trò thăm hỏi thầy".
Suốt những năm học đại học, cứ có dịp đi công tác lên Hà Nội là thầy lại đến tận nơi xem học trò ăn ở thế nào, học hành ra làm sao. Có dịp vào ngày nghỉ, thầy gọi gần chục đứa học trò sang gần khu Trường đại học Bách khoa, thầy chiêu đãi cơm bụi. Những bữa cơm đạm bạc của sinh viên nhưng chẳng thể nào quên.
Học đến năm thứ hai, anh Kiên và anh bạn cùng lớp Trần Đăng Khoa học thêm một văn bằng nữa ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Kiên lúc ấy chọn ngành công nghệ thông tin, động lực học tập cũng từ người thầy động viên.
"Ngày ấy bọn mình nghèo, học cấp III (THPT) thầy, u (cha mẹ) mình tậu được cho mình đôi bò để làm ruộng là tốt lắm rồi. Bạn bè nhiều người vào tận Vũng Tàu, Sài Gòn làm thuê, chẳng mấy ai nghĩ đến việc để con cái học hành tử tế", anh Kiên tâm sự.
Giờ ra chơi, lũ bạn chạy xuống khu tập thể, vào phòng thầy xin nước uống. Những đứa học khá thì nhà trường chọn ra để bồi dưỡng cho đi thi, những đứa học kém thì trường nhóm lại để các thầy bồi dưỡng.
Học thêm không phải đóng tiền như thời bây giờ. Dịp lễ Tết nhà nào khá thì biếu thầy cân gạo nếp. Mấy đứa nhà nghèo có mang đến nải chuối hay quả đu đủ. Thầy trò thân thiết, vui như người một nhà.
Sau lứa anh Kiên, ở ký túc xá nữ trường sư phạm ngày ấy còn kháo nhau về "ông chú" cứng tuổi đến "tán" sinh viên. Mấy chục năm rồi, học trò gặp thầy vẫn tếu táo câu chuyện ấy. "Chúng nó cứ kháo nhau loạn lên, nào là có một ông cứng tuổi lúc thì hỏi thăm cái Khoa, lúc hỏi thăm cái Phượng - Ninh Bình, có lúc lại đi tìm phòng cái Quý. Mãi sau chúng nó mới biết tôi là thầy giáo" - người thầy giáo già cười hiền, nhắc nhớ chuyện xưa.
Bàn tay đầy sẹo của học trò
Người thầy giáo ấy năm nay đã 74 tuổi. Vết thương từ ngày đi bộ đội tái phát, thầy đi lại nặng nề. Thầy Đức nhớ đã hai lần chết hụt vì bom bên bờ sông Thạch Hãn. Ngày ấy thầy là sinh viên, xếp bút nghiên để nhập ngũ. Trận đánh ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, một quả bom rơi cách hầm thông tin hơn chục mét. Hầm sập, hai đồng đội hy sinh. Chiến sĩ Đức ôm chiếc máy thông tin nằm giữa bị cây kèo hầm chữ A đè trúng, giãn cột sống.
Đồng đội tìm thấy Đức lúc đó đã hôn mê, liệt nửa người. Sau hơn một năm điều trị, thương binh Dương Minh Đức trở về trường với tờ giấy xác nhận thương tật 41%. "Nếu tôi nhận đúng thương tật thì sợ sau này không được nhận nữa, đành xin bác sĩ ghi thấp hơn để tiếp tục đi học đến ngày được làm giáo viên", thầy Đức kể.
Ngày thầy khoác chiếc ba lô con cóc trở về Ninh Bình, ngôi trường chỉ có dãy lớp học lợp lá cọ. Vài lớp vách nứa, gió bấc lùa khiến lũ học trò run lên bần bật vì rét. Hồi đó chiến tranh ở miền Nam vừa qua, súng lại nổ tại biên cương phía Bắc.
Thầy giáo Đức ngày ấy từ chối cương vị giảng viên ở Trường đại học Sư phạm Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) trở về Hà Nam Ninh (Hà Nam và Ninh Bình bây giờ).
Những học trò nông thôn nghèo, tay áo tanh ngòm mùi bùn. Nhà làm nông chưa đủ ăn, học sinh lên lớp học buổi sáng, buổi chiều lội xuống ruộng ì oạp bắt con cua con ốc. Có nhà năm, sáu đứa con chỉ một đứa được đi học. Nghe thầy giáo nói chuyện cho con đi thi đại học, thầy u "ôi dào!" rồi chỉ đống khoai lang dưới gầm giường: "Nhà chỉ còn chỗ này cho cháu nó mua sách".
Cả tỉnh Hà Nam Ninh ngày ấy chưa có nổi 70 trường cấp III. Mỗi huyện có một trường, huyện nào khá lắm thì có hai. Mỗi lần học trò khoe cái giấy báo trúng tuyển nhỏ như lòng bàn tay là mỗi lần thầy cô mừng đến rơi nước mắt.
"Em nào hiếu học chúng tôi quý lắm - thầy Đức tâm sự - Trước đây không có trường chuyên, chúng tôi bàn nhau kèm cặp những đứa có năng khiếu rồi bồi dưỡng những đứa học đuối hơn để chúng theo kịp bạn bè".
Người thầy giáo già chìm trong những câu chuyện của học trò. Những học trò năm nào mà bây giờ người làm lãnh đạo trung ương, người có bằng tiến sĩ nước ngoài, những người khác tiếp tục đi dạy học vì muốn làm người kế cận của thầy.
Quan điểm của người thầy nghiêm khắc là không "thương mại hóa giáo dục". Bao thế hệ học trò, bao lớp bồi dưỡng, kèm cặp thầy không nhận tiền của học sinh. Điều thầy làm trước tiên là khiến học sinh yêu môn học của thầy.
Trong hơn 30 năm cầm phấn, thầy Đức chỉ nhận chủ nhiệm lớp bốn lần, vài lần chủ nhiệm thay giáo viên khác một hoặc nửa học kỳ, lần lâu nhất là chủ nhiệm lớp "hệ B" (bán công) hai năm. Lớp ấy đỗ đại học gần hết, học sinh vẫn thăm hỏi thầy mỗi dịp về quê.
Học trò của thầy rời quê lên Hà Nội học rất vất vả. Thầy có đồng lương bèo bọt, nhưng có dịp lên Hà Nội vẫn gọi học trò ra chiêu đãi cơm bụi cho ra trò. "Thấy các em vui, quyết tâm học hành là tôi mừng. Làm thầy giáo chỉ mong nhìn thấy học trò của mình thành đạt", thầy Đức tâm sự.
Học sinh hệ B phải đóng góp nhiều hơn. Đến kỳ phải nộp học phí hay các khoản quỹ, có học trò chẳng kiếm đâu ra tiền. Thầy giáo cứ ứng lương nộp cho kế toán. Cuối năm nhà học sinh bán được đôi gà hay con lợn thì mang tiền đến trả. Cũng có những đứa hết năm chẳng có gì, đứng trước cửa phòng tập thể gãi đầu gãi tai. Thầy chỉ cười vỗ vai học trò, động viên chúng cố gắng học.
Ngày Tết, học sinh đến tết thầy bằng chuối xanh, gạo nếp. Những người thành đạt rồi thì có cân gạo nếp, con gà. Ngày thường thầy đi dạy học, trưa về thấy mớ rau treo lủng lẳng trước cổng. Thầy chỉ biết người nhà học sinh mang biếu, nhưng chẳng biết rõ học sinh nào. Đến giờ thầy nghỉ hưu hơn chục năm, học trò vẫn tìm đến nhà thầy trò tâm tình. Thầy trò vẫn ấm áp như người một nhà.
-------------------
"Một lớp tặng chiếc bánh kem và ngọn đèn số 1, giải thích đó là con số của thầy: thầy là số 1. Lớp thì tặng hoa, có học sinh thức cả đêm vẽ hình, khi mở ra tôi nhận ra ngay đó là mình".
Kỳ tới: Tiết học cuối nhòe nước mắt ân tình
Đứa bé lớn lên thời hậu chiến khó khăn, phải rời thành phố đi kinh tế mới và trải qua nhiều ngôi trường khác nhau như tôi vẫn khắc sâu kỷ niệm về mái trường cùng các thầy cô đầu đời của mình.