Chiều 25-3, các luật sư tiếp tục bào chữa cho thân chủ trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Pennisula) nói thân chủ phạm tội trong bối cảnh khó khăn.
Mù quáng phục vụ "đế chế" của bà Trương Mỹ Lan
Theo đó, năm 2019-2020, vợ bị cáo Phương Anh bệnh nặng, bố mẹ già và có con nhỏ, nếu không thực hiện theo chỉ đạo sẽ mất việc, không thể lo cho gia đình.
Nhiệm vụ của ông Phương Anh là tìm cá nhân, pháp nhân đứng tên vay vốn nhằm hợp thức hóa các khoản vay.
Luật sư Trang cho biết ông Phương Anh chỉ làm công ăn lương, không hưởng bất kì cổ phiếu hay khoản tiền nào từ bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
"Hành vi của bị cáo Nguyễn Phương Anh chỉ là thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình để nhận lương. Bị cáo chỉ nghĩ làm tốt công việc mà không có ý định giúp sức cho bà Lan hay các bị cáo khác", luật sư Trang nói.
Luật sư Trang cho rằng bị cáo Phương Anh không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại như cáo trạng quy kết. Thực tế mọi người đều hiểu Ngân hàng SCB sau khi hợp nhất thuộc gia tộc bà Trương Mỹ Lan.
"Số tiền quanh đi quẩn lại vẫn nằm trong ngân hàng. Phần thiệt hại là tiền được giải ngân từ trước, sau này bị cáo chỉ hợp thức hóa. Bị cáo mù quáng thực hiện theo suy nghĩ phục vụ cho đế chế của bà Trương Mỹ Lan, muốn lập công tốt để hưởng lương", luật sư Trang nêu quan điểm.
Được bổ nhiệm chức quản lý ở Vạn Thịnh Phát nhưng "hữu danh vô thực"?
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tuấn Như – bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (trưởng văn phòng HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho biết bị cáo chỉ có trình độ trung cấp kế toán, năng lực hạn chế.
Bị cáo Tâm chỉ căn cứ chỉ đạo của bà Lan rồi chỉ đạo lại cho các nhân viên cấp dưới theo tổ chức, nhiệm vụ tại công ty.
"Bị cáo được bổ nhiệm vì lúc đó bộ phận không có ai quản. Bản chất bị cáo vẫn làm việc như những ngày thường. Bị cáo chỉ chuyển lại những thông tin cấp trên cần, bị cáo cũng đi xin thông tin từ nơi khác. Bị cáo làm việc chỉ hữu danh vô thực", bị cáo Tâm bào chữa.
Bị cáo Tâm cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại việc minhchỉ là nhân viên làm công ăn lương nhưng lại bị viện kiểm sát đề nghị mức án ngang nửa các bị cáo cấp trên của mình.
Bào chữa cho bị cáo Khổng Minh Thế (cựu phó giám đốc Khối phê duyệt tín dụng Ngân hàng SCB) luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng mức hình phạt 6 - 7 năm tù mà viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo là quá nghiêm khắc.
Luật sư phân tích, trách nhiệm của bị cáo phát sinh ở 2 mốc thời gian. Trong đó, tổng dư nợ của các khoản vay phát sinh trước ngày 1-1-2018 (trước ngày BLHS 2015 có hiệu lực) chiếm 91% so với tổng dư nợ tất cả các khoản vay bị cáo Thế tham gia.
Từ đó đề nghị hội đồng xét xử áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo chuyển hành vi của bị cáo sang tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" theo BLHS năm 1999.
Cũng theo luật sư, thời điểm trước và sau khi hợp nhất thì bị cáo không nắm được thông tin bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu bao nhiêu % cổ phần cũng như không biết việc bị cáo Lan điều hành tổ chức Ngân hàng SCB.
Luật sư đề nghị hội đồng xét xử đánh giá hành vi giúp sức của bị cáo Khổng Minh Thế là có nhưng không mang tính quyết định trong việc dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng SCB từ đó phân hoá vai trò đồng phạm của bị cáo Khổng Minh Thế trong tổng thể vụ án.
Đến nay, bà Trương Mỹ Lan và 26 bị cáo khác đã được luật sư bào chữa. Còn lại 59 bị cáo sẽ được bào chữa trong những phiên xử tiếp theo.