Làm việc tại tỉnh Prahova ngày 21/1, nhân chuyến thăm Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang mở rộng một số nhà máy lọc dầu, xây dựng nhà máy điện khí và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Prahova hợp tác với Việt Nam.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Doanh nghiệp Romania nói chung và Prahova nói riêng có thể đến đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nhân lực và trang thiết bị trong lĩnh vực dầu khí", Thủ tướng nói.
Ông cho rằng điều này sẽ làm mới những động lực cũ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi giữa hai nước.
Prahova là trung tâm công nghiệp, dầu khí hàng đầu Romania. Đây cũng là nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Romania, trường Đại học Dầu khí Ploiesti. Hàng trăm kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest, Đại học Dầu khí Ploiesti.
Hiện, Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu, gồm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), tổng vốn đầu tư khoảng 18,5 tỷ USD trong hai giai đoạn.
Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển hơn 30.420 MW điện khí tới 2030, theo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, các nhà máy sử dụng khí LNG chiếm khoảng 74% công suất, tương đương hơn 22.500 MW.
Chia sẻ với các doanh nghiệp tỉnh Prahova hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng niềm tin là lợi thế khi hai nước có quan hệ hợp tác bền chặt, cản trở lớn nhất là khoảng cách địa lý. Nhưng khó khăn này có thể được tháo gỡ trong điều kiện thế giới phẳng, công nghệ và chuyển đổi số hiện nay.
"Cách đây 5-10 năm chúng ta còn phải gặp trực tiếp, giờ có thể làm việc trực tuyến", ông nêu.
Ngoài ra, sự hợp tác của Phòng thương mại hai nước, các bộ, ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, địa phương tích cực hợp tác, đầu tư để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu của lãnh đạo hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang thăm Romania, đất nước ông từng gắn bó thời tuổi trẻ, theo lời mời của Thủ tướng Marcel Ciolacu.
Việt Nam - Romania thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1950. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 400 triệu USD, gấp 4 lần bốn năm trước đó. Đến cuối 2022, Romania có 5 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 1,6 triệu USD.
Minh Sơn