Đội tuyển Indonesia tưng bừng mở hội sau hơn bảy năm mới có một trận thắng trước đội tuyển Việt Nam (VN) và HLV Shin Tae-yong như thoát khỏi bản án treo không bị sa thải ở lần đầu tiên qua mặt đối thủ “kỵ giơ”. Thái Lan cũng rộng đường vào vòng 16 đội mạnh nhất khi có chiến thắng ấn tượng trước Kyrgyzstan trước khi gặp Oman vào đêm 21-1.
Không tin thầy nội và thiếu kiên nhẫn với thầy ngoại
Đau đớn nhất có lẽ là Malaysia đã kiên cường chống chọi với Bahrain cho đến 7 giây cuối của phút bù giờ thứ năm lại bị thủng lưới khiến HLV Kim Pan-gon đứng thẫn thờ như trời trồng. Dư luận Malaysia chỉ trích ông Kim không thương tiếc với chính sách nhập tịch hơn chục ngoại binh, nhiều hơn cả Indonesia nhưng hiệu quả thì chẳng ra làm sao.
Có một thực tế trong làng bóng Đông Nam Á là không có nhiều niềm tin với thầy nội, thường thiếu kiên nhẫn với thầy ngoại và dưới sức ép của dư luận yêu thích chiến thắng, họ không ngần ngại thay tướng.
Thái Lan cũng vừa sa thải HLV Polking để mời HLV Masatada Ishii và ông cũng chỉ có ba tháng thử việc ở đây; ông Kim Pan-gon cũng khó tồn tại sau khi Malaysia bị loại ở Asian Cup; đội tuyển VN sau thời vàng son của HLV Park Hang-seo, đến ông Troussier đang chịu áp lực nặng nề dù cái đích của ông là World Cup 2026; ngay cả ông Shin Tae-yong của Indonesia sau bốn năm cầm quân cũng rơi vào tình thế nguy hiểm nên chiến thắng trước VN và gần như sẽ có suất vớt vào vòng knock out khiến thầy trò ông mừng như… vô địch.
Cố ở Asian Cup và với đến vòng chung kết World Cup
Suy nghĩ có thầy giỏi thì có một đội tuyển quốc gia mạnh đã và đang làm khổ làng bóng đá Đông Nam Á. Thái Lan và VN đều thua 8/10 trận tại vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á trong hai mùa qua cho thấy rõ đẳng cấp bóng đá của vùng trũng nhất thế giới. Tính từ năm 1938 đến nay, Indonesia còn mang tên Đông Ấn thuộc Hà Lan bất chiến tự nhiên thành khi chơi một vòng chung kết World Cup, chưa có đại diện Đông Nam Á nào khác có thể sánh vai với cường quốc năm châu ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Để trở thành những đội tuyển mạnh của thế giới, bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ cải thiện như vũ bão các giải vô địch quốc gia mà còn tăng cường xuất khẩu cầu thủ chơi bóng ở nhiều giải hàng đầu châu Âu, bên cạnh sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Hai quốc gia ở Đông Á này kiên trì với đường lối hiện đại hóa nền bóng đá của mình để ngày càng lớn mạnh, khác hẳn với làng bóng Đông Nam Á quanh quẩn với cách nghĩ có thầy giỏi nắm đội tuyển thì có thể hình thành một đội tuyển mạnh bất kể đang tồn tại những giải vô địch quốc gia èo uột kiểu “ao làng”.
Trong số bốn đội bóng Đông Nam Á dự Asian Cup thì duy nhất VN là đội không có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Cũng có ý kiến cho rằng tại ông Troussier không gọi Công Phượng về nhưng việc không gọi một cầu thủ chỉ ngồi dự bị không có gì là sai. Cũng có ý kiến nói rằng nếu Asian Cup thi đấu sớm một năm thì đội tuyển VN cũng có hai cầu thủ thi đấu ở nước ngoài là Quang Hải và Văn Toàn. Đó cũng chỉ là cách ví von cho bằng chị bằng em, vì xét cho cùng thì các cầu thủ VN ra nước ngoài thi đấu chưa ai để lại ấn tượng gì như kiểu các cầu thủ Thái Lan thi đấu ở giải vô địch Nhật Bản và chen vào đội hình chính cũng như được bầu là cầu thủ xuất sắc.
Cả Asian Cup, ngoài VN còn có các đội không có cầu thủ đá ở nước ngoài là Ấn Độ, Qatar, Saudi Arabia và UAE. Cũng dễ hiểu thôi khi những đất nước giàu có ở vùng Vịnh đang thu hút các siêu sao thế giới về đá giải vô địch quốc gia của họ và điều đó được chú trọng nhiều hơn là cầu thủ của họ tìm bến đỗ ở các CLB nước ngoài. Riêng Ấn Độ, chất lượng cầu thủ không cao nên việc không ra nước ngoài thi đấu là hiển nhiên.