Cá linh đi học - tác phẩm vừa đoạt giải của Lê Quang Trạng - lấy ý tưởng về môi trường sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vấn nạn đời thực như ô nhiễm rác thải, xuyệt điện, sạt lở...
Bằng góc nhìn trẻ thơ của bé cá linh, các vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, tác phẩm còn tái hiện không gian văn hóa miền sông nước An Giang theo hành trình trải nghiệm của bé cá linh bằng lối đồng thoại gần gũi.
Sống giữa kho sách vùng sông nước
Lê Quang Trạng (29 tuổi) sinh ra và lớn lên ở cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Anh tập tành viết văn từ năm 13 tuổi và khoảng 2 năm sau đó có thơ, văn xuôi in trên báo, tạp chí.
Hiện Trạng sở hữu 10 đầu sách từ thơ, truyện ngắn, truyện dài đến bút ký, tản văn... cùng không ít giải thưởng.
Trạng kể hồi nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, anh thử qua nhiều trò chơi. Vì thể trạng yếu, mắt bị cận sớm nên không thể chơi các trò chơi vận động, Trạng lân la xem chú bác trong xóm đánh cờ, uống trà, nói chuyện văn chương.
Trường THCS thị trấn Mỹ Luông nơi anh học có nhiều sách, đặc biệt là sách của các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức tặng đủ bộ. 12 tuổi, Trạng say mê khám phá kho tàng văn học nho nhỏ gần gũi ấy.
"Vùng đất cù lao Giêng được thiên nhiên ưu đãi, no ấm, dân cư có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, chuộng văn nghệ.
Mình lớn lên là thế hệ thụ hưởng, kho sách vở có sẵn, đọc tác phẩm của những nhà văn lớn, dần dần con chữ nhập vào lời ăn tiếng nói, mình thấy viết một câu thơ có vần điệu, đọc lên nghe rất thích, mình bắt đầu làm thơ", Trạng kể.
Có lần Trạng gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng về Chợ Mới thăm quê. Anh nghe ông nói chuyện trà dư tửu hậu, xin ông góp ý một số bài viết.
Ông hướng dẫn Trạng gửi bản thảo đến Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật tỉnh An Giang. Trạng cặm cụi viết bản thảo bằng tay gửi bưu điện. Gửi 5-7 lần mới được đăng bài đầu tiên, chính là dấu mốc hành trình viết văn năm 15 tuổi của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng.
Cây bút trẻ của đồng bằng được ưu ái
Sách viết về vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn hấp dẫn độc giả bởi trầm tích văn hóa không đứng yên mà luôn vận động kiến tạo, mở ra cho nhà văn nhiều vấn đề.
Các thế hệ nối tiếp viết về vùng đất này, nhưng độc giả không thấy cũ mòn.
"Khó khăn của mình khi bắt tay vào viết văn không phải là môi trường tỉnh lẻ hay lo lắng giẫm lại lối mòn mà là thiếu không khí văn nghệ, ít có bạn bè cùng trang lứa trao đổi sáng tác.
Tuy nhiên cánh đồng chữ quê mình trù phú, mình vẫn có thể cày tiếp nối, hết mùa này tới mùa khác.
Thỉnh thoảng hết ý tứ thì xách ba lô đi tìm không khí văn nghệ, nghe - nhìn rồi quay về quê tiếp tục đào sâu bám rễ. Công nghệ thông tin, Internet phủ sóng làng quê cũng là một lợi thế lớn cho mình", Trạng chia sẻ.
Không riêng ở truyện dài Cá linh đi học mà xuyên suốt nhiều tập sách như Vệt sáng của bụi, Thủ lĩnh băng vịt đồng, Áp tai vào đất, Dòng sông không trôi... đã phần nào chuyển tải những trăn trở của Lê Quang Trạng trước những vấn đề xã hội.
Đó là dịch COVID-19, đô thị hóa làm thay đổi một số hệ giá trị lao động; cái nôi nông nghiệp rực rỡ của ông cha dần được máy móc cơ giới hóa, không ít người trẻ ly nông ly hương...
"Trong thời gian tới mình vẫn tiếp tục viết về Đồng bằng sông Cửu Long, viết cho thiếu nhi. Những giải thưởng là cơ hội để nhiều độc giả biết đến mình và qua đó họ chắc hẳn sẽ quan tâm hơn đến văn chương đồng bằng", Lê Quang Trạng ưu tư.
Lê Quang Trạng là nhà văn An Giang thứ ba đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Trước đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu năm 1985 và nhà văn Lê Văn Thảo với tiểu thuyết Cơn giông năm 2003.
Trạng còn đoạt nhiều giải thưởng như giải 3 Văn học tuổi 20 năm 2022 với tập truyện ngắn Vệt sáng của bụi, giải A giải Huỳnh Văn Nghệ năm 2022...
Ham học hỏi, đi nhiều, đọc nhiều
Nhà văn Trần Tùng Chinh - giảng viên Trường đại học An Giang - kể đã biết Lê Quang Trạng khi cậu còn học phổ thông.
Trạng có năng khiếu và đam mê văn chương từ rất sớm, chủ động tìm đến các nhà văn nhà thơ đi trước, kết nối bằng sự lễ phép và cầu tiến, học hỏi tiền bối.
"Khi Trạng vào học sư phạm ngữ văn Trường đại học An Giang, tôi phụ trách một số học phần của lớp.
Ngoài học tốt chuyên môn, Trạng còn có nhiều ý tưởng hay, ham học hỏi và bền bỉ âm thầm thu thập cho mình nhiều vốn sống từ việc đi nhiều, đọc nhiều. Tôi cảm thấy rất tự hào và có một niềm tin chắc chắn là Trạng sẽ còn tiến xa hơn", ông Chinh nói.
Tác giả Lê Bích nói ngày nay quá nhiều người thích nói đạo lý, có hẳn một ngành công nghiệp dạy cách sống và cả công nghiệp chữa lành đang phát triển, làm giàu cho một số người và tổn hại cho vô số người khác.