Sau khi nghệ sĩ Lệ Thẩm mất, Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM còn lại 6 người. Đó là nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền, nghệ sĩ Ngọc Đáng, Hoa Tranh, Ngọc Bê, Lam Sơn và công nhân sân khấu Đặng Thị Xuân.
Người lớn nhất trong viện dưỡng lão đã 97 tuổi
Theo soạn giả Đức Hiền, hiện tại nghệ sĩ Ngọc Đáng đang là người lớn tuổi nhất tại Viện dưỡng lão. Bà năm nay 97 tuổi.
Ngọc Đáng từng hát chung với kép hát Hùng Cường ở Đoàn cải lương Ngọc Kiều và nổi danh qua nhiều vở tuồng như: Mộng đẹp đêm trăng, Đôi mắt giai nhân, Romeo và Juliet…
Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền thì được mệnh danh là "đệ nhất đào võ” của sân khấu cải lương Việt Nam. Bà có hàng trăm vai diễn để đời, có thể kể đến các vai đào chính trong các vở Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào, Thoại Khanh Châu Tuấn...
Soạn giả Đức Hiền nói, cứ hễ nhắc đến nghệ sĩ Diệu Hiền là người ta lại nhớ đến vai nữ tướng Triệu Thị Trinh của bà trong vở tuồng Nhụy Kiều tướng quân (soạn giả Hoàng Anh Chi). Bà từng là cô đào nổi danh ở các đoàn hát Thống Nhất, Kim Chung, Sài Gòn 2…
Nghệ sĩ Lam Sơn là nghệ sĩ nam duy nhất sinh sống tại Viện dưỡng lão đến thời điểm hiện tại. Ông từng một thời là kép hát của Đoàn cải lương Trâm Vàng, có nghệ sĩ Lệ Thủy đóng.
Ông từng đóng vai ông lão trong tuồng Quán lạnh miền quan tái của soạn giả nổi tiếng Quy Sắc, người đồng sáng tác vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới (còn gọi là Sơn nữ Phà Ca).
Soạn giả Đức Hiền cho biết cô đào Lệ Thủy là thế hệ sau nghệ sĩ Lam Sơn.
Ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM còn có một nhạc công đàn dương cầm.
Đó là nghệ sĩ Ngọc Bê. Bà từng đàn nhiều vở cho Đoàn cải lương Hương Mùa Thu của soạn giả kiêm người sáng lập Thu An.
Còn nghệ sĩ Hoa Tranh là nghệ sĩ đàn tranh. Bà là người ít tuổi nhất trong Viện dưỡng lão.
Hoa Tranh chịu trách nhiệm sáng tác tuồng cho các video cải lương thời hoàng kim. Bà lấy bút danh là "Hoa Trang Nhã”.
Người nghệ sĩ thứ 6 của Viện dưỡng lão là công nhân sân khấu Đặng Thị Xuân.
Theo lời soạn giả Đức Hiền, bà Xuân là người duy nhất trong Viện dưỡng lão có lương hưu.
"Từ nhỏ, bà Xuân mồ côi. Sau đó, bà vào đoàn hát bội thành phố làm phục trang. Về già, bà được lãnh lương hưu vì là người trong đoàn và không có nơi nương tựa” - ông Hiền kể.
Vẫn còn đó những nỗi buồn và lo
Soạn giả Đức Hiền tâm sự, trong Viện dưỡng lão, những người nghệ sĩ sống chung và gần gũi với nhau bao lâu nay. Họ xem nhau như một gia đình.
Vì vậy, nhìn thấy người bạn của mình ra đi thì thử hỏi sao mà không tiếc thương và buồn lòng.
Sau Tết Giáp Thìn, Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM sẽ chuyển từ quận 8 về Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè.
Ông Hiền cho biết khi về đây, những nghệ sĩ sẽ có điều kiện sinh hoạt ổn định và đặc biệt có thể được lo lắng chu toàn về mặt sức khỏe.
Sau khi nghệ sĩ Lệ Thẩm mất, soạn giả Đức Hiền cũng chia sẻ nỗi băn khoăn, ngại ngần mỗi khi báo chí đến tiếp cận phỏng vấn và đưa tin.
Vì đã có nhiều thông tin bị đưa sai lệch.
Trao đổi cùng Tuổi Trẻ Online, ông Hiền giải thích nhiều nghệ sĩ trong viện đã lớn tuổi nên tinh thần không ổn định, khi nhớ khi quên.
Vì thế, có thể họ nói ra những thông tin không chính xác. Ông mong việc tiếp cận phỏng vấn và đưa thông tin về các nghệ sĩ lớn tuổi cần phải hết sức thận trọng.
TTO - Trong mùa dịch vừa qua, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM (Q.8) đã hoạt động rất chật vật. Mới đây, UBND thành phố chấp thuận hỗ trợ 9 nghệ sĩ đang sống tại đây với mức 2,6 triệu đồng mỗi tháng cho mỗi người.