Sở hữu chéo, chi phối ngân hàng là vấn đề nổi cộm thời gian vừa qua. Để ngăn tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa thông qua đã giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần cổ đông lớn.
Một tổ chức theo đó không sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả sở hữu gián tiếp, thay vì 15% như trước. Cổ đông và người có liên quan cũng không sở hữu quá 15% vốn.
Ngân hàng nào có cổ đông nắm hơn 10% vốn?
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết cuối năm 2022, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong số này có HDBank. Cuối năm 2022, HDBank có vốn điều lệ 25.303 tỉ đồng. Công ty cổ phần Sovico là cổ đông lớn sở hữu 14,37% vốn ngân hàng này.
Thông tin từ báo cáo quản trị 2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nắm hơn 3,7% vốn HDBank. Nữ tỉ phủ này cũng là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Công ty CP Tập đoàn Sovico.
Tại PGBank, theo danh sách cổ đông tại thời điểm 30-9-2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu 13,099% vốn; Công ty cổ phần quốc tế Cường Phát 13,51%; Công ty cổ phần thương mại Vũ Anh Đức nắm 13,35% vốn.
Còn tại ABBank, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thể hiện CTCP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn sở hữu 12,78% vốn. Ông Vũ Văn Tiền - chủ tịch HĐQT Geleximco - cũng nắm 0,366% vốn ABBank.
Ngoài ra, ABBank còn có cổ đông ngoại chiến lược là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 16,39% vốn. Cuối năm 2022, vốn điều lệ của ABBank là hơn 9.409 tỉ đồng.
Còn theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của MBBank, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân Đội sở hữu 14,13% cổ phần ở nhà băng này.
Trong danh sách doanh nghiệp sở hữu trên 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Techcombank có Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan - cũng là phó chủ tịch Techcombank và sở hữu 0,266% cổ phần tại ngân hàng này...
Để tránh xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Từ ngày luật có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định được tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, các cổ đông này sẽ không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Lo cổ đông "gần lớn" ở ngân hàng
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoài Ân - chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng - nhận xét quy định mới về giảm tỉ lệ cổ phần sẽ có xáo trộn nhất định với nhóm cổ đông tổ chức vượt 10%.
Ông Ân cho rằng nhìn chung giảm tỉ lệ sở hữu như vậy cũng khó ngăn các vụ như SCB - Vạn Thịnh Phát. Song quy định mới như "thông điệp" sẽ làm quyết liệt hơn để ngăn chi phối ngân hàng.
Dù quy định mới đã giảm tỉ lệ cổ phần, nhưng theo ông Ân, vẫn có nhiều cách "lách". Do vậy, vẫn cần sự phối hợp của nhiều khâu, đặc biệt là giám sát.
Trong tiêu chí chấm điểm xếp hạng ngân hàng thương mại theo thông tư 52-2018, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định về việc đánh giá chỉ tiêu tỉ lệ tiền gửi của các khách hàng lớn.
Theo đó, ngân hàng càng có tỉ lệ tập trung các khách hàng lớn càng cao thì sẽ bị đánh giá chỉ tiêu thấp. Không chỉ với tiền gửi, quy định áp dụng tương tự đối với chỉ tiêu dư nợ tín dụng nhằm hạn chế rủi ro.
"Tôi nghĩ rằng không quá khó để làm một cách nghiêm minh, minh bạch", ông Ân nói. Vị này nhấn mạnh: Cái cần siết vẫn quản trị nội bộ, dòng tiền cho vay các nhóm đối tượng, còn quản lý dòng tiền đâu quá khó?
Một chuyên gia khác bình luận vấn đề còn nằm ở tỉ lệ cổ đông "gần lớn". "Có nhiều nhà đầu tư, cổ đông không muốn trở thành cổ đông lớn, vì như thế sẽ phải chịu ràng buộc về nghĩa vụ công bố thông tin", ông này nói.
Ngoài vụ SCB điển hình, ông này nhắc lại vụ Hà Văn Thắm. Về mặt quy định, ông Thắm sở hữu theo quy định về tỉ lệ cổ phần, nhưng thực tế, quy mô sở hữu của nhóm Hà Văn Thắm ở OceanBank vượt tới hơn 3 lần so với giới hạn.
Việc giới hạn tỉ lệ cổ đông lần này, nhấn mạnh cụm "bao gồm cả sở hữu gián tiếp", vị chuyên gia cho rằng sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan giám sát đẩy mạnh hơn nhiệm vụ, vai trò của mình.
Ông Phan Duy Hưng - giám đốc, chuyên gia phân tích Visrating, cho rằng giải quyết vấn đề sở hữu chéo trở nên khó khăn hơn do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông/các cá nhân liên quan thường rất phức tạp.
"Có thể thấy những sự kiện gần đây đã phản ánh rõ ràng về vấn đề quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân", ông Hưng nói với Tuổi Trẻ Online.
Theo ông Hưng, cổ đông cá nhân có thể trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu, chi phối hoạt động của ngân hàng, cung cấp nguồn vốn cho các bên liên quan của mình (đa số là các nhà phát triển bất động sản).
Có thể thông qua nhiều kênh như cho vay trực tiếp từ ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu cho khách hàng cá nhân của ngân hàng hoặc thông qua công ty con của ngân hàng (công ty chứng khoán).
Việc tăng cường sử dụng nợ vay thông qua các phương thức trên những năm gần đây, kết hợp với điều kiện tín dụng nới lỏng, đã tạo ra những rủi ro tín dụng như ở giai đoạn vừa qua.
Do vậy, ông Hưng cho rằng mối liên kết chặt chẽ giữa một số ngân hàng tư nhân và các tập đoàn lớn có liên quan là điểm yếu của hệ thống ngân hàng và cần được giải quyết dựa trên chính công tác quản lý rủi ro của từng ngân hàng.
Ngoài ra, hoạt động giám sát từ các cơ quan quản lý để thường xuyên đánh giá hoạt động cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, xây dựng... sẽ góp phần giảm bớt rủi ro tài sản tại các ngân hàng.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng sở hữu chéo, hạn chế thao túng ngân hàng. Nhưng theo một số chuyên gia, việc chống sở hữu chéo không đơn thuần chỉ là siết tỉ lệ sở hữu cổ phần.