Phí đổi tiền mới giữ nguyên nhưng vẫn ế khách
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Theo phong tục tập quán, người dân thường sử dụng tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi, lì xì, cúng lễ,... Chính vì vậy, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết vẫn âm thầm diễn ra trên nhiều diễn đàn.
Theo Hà Nội Mới, chỉ cần tra cụm từ “đổi tiền mới” gõ trên Google, Facebook, Zalo hay TikTok, Instagram… đều có thể tìm thấy cả nghìn kết quả.
Theo quảng cáo trên các ứng dụng mạng xã hội này, phí đổi tiền mới cao, thấp tùy số lượng và mệnh giá. Mức phí phổ biến là: Tiền mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng phải trả phí 10%; 10.000 đồng phí 8%; 20.000 đồng phí 15%; 50.000 đồng: 7%; 100.000 đồng: 4%; 200.000 đồng: 3%.
Riêng với mệnh giá nhỏ hẳn là 500 đồng và 1.000 đồng, phí được quảng cáo sẽ thay đổi tùy vào thị trường. Hiện, phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng là 300.000-400.000 đồng cho 100 tờ; tiền mệnh giá 1.000 đồng có phí 20%.
Thực tế, phí đổi tiền “chợ đen” không thay đổi so với những năm trước. Tuy nhiên, với xu hướng mừng tuổi bằng chuyển khoản trong một, hai năm trở lại đây, cộng với tình hình kinh tế khó khăn, khiến dịch vụ đổi tiền không còn quá nóng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. Do vậy, với dịch vụ đổi tiền trên mạng, nhiều người cho biết có thể mặc cả để có mức phí thấp hơn.
Chẳng hạn, đối với tiền mệnh giá 50.000 đồng, phí phổ biến là 7%; nhưng nếu đổi tiền từ 20 triệu đồng trở lên, mức phí là 6%, đổi từ 50 triệu đồng có phí 5%, từ 100 triệu đồng có phí 4%. Đối với mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, đổi từ 10 triệu đồng trở lên có phí 2% thay vì 3-4%.
Nếu gọi điện theo số đăng tải trên các đường link hoặc các app quảng cáo đều nhận được thông tin không hạn chế số tiền mới cần đổi. Điều này cũng có nghĩa thị trường đổi tiền “chợ đen” khá dư dả, hay nói chính xác hơn là ế khách do nhu cầu sử dụng của người dân giảm mạnh so với những năm trước.
Ngoài các loại tiền mới lì xì Tết, các điểm giao dịch còn quảng cáo các loại tiền mới của các quốc gia khác, đặc biệt là đồng USD được mạ vàng, có hình con rồng; mức giá rao là 320.000 đồng/tờ, gồm bao lì xì và tờ tiền 2 USD hay tiền Macau (Trung Quốc) có những biểu tượng “Thuận buồm xuôi gió”, “Mã đáo thành công”… Còn với tờ 2 USD thông thường, mức giá được đăng tải phổ biến 60.000-70.000 đồng/tờ tùy theo số lượng.
Thông tin trên báo Cà Mau, nhìn chung, mức phí dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới rất hỗn loạn và bát nháo. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi lựa chọn đổi tiền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ này.
Anh Võ Trung Nghĩa, Phòng giao dịch Ngân hàng ACB Phường 5, Tp. Cà Mau, cho biết: “Cách thức đổi tiền này khiến người đổi tiền có nguy cơ bị lừa rất cao. Bởi phần lớn các tài khoản quảng cáo đổi tiền qua mạng không có thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, người đổi lại phải chuyển trước một khoản tiền đặt cọc. Điều này khiến người đổi tiền rơi vào thế bị động, dễ bị lừa đảo”.
Thực tế đã xảy ra trường hợp người đổi tiền bị lừa. Như chị Nguyễn Thị Nga, Phường 9, Tp.Cà Mau kể lại: "Tôi cũng có tính cẩn thận, từ trước đến nay cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại nhờ người quen đổi hộ tiền mới để lì xì cho con cháu. Nhưng năm nay, do công việc kinh doanh bận rộn, tôi đành lên mạng tìm chỗ đổi tiền. Sau khi tham khảo nhiều nơi, tôi quyết định chọn một cửa hàng đổi tiền có lượt đánh giá cao trên mạng xã hội.
Để đổi 10 triệu đồng tiền mới tờ 200.000 đồng, tôi chấp nhận trả phí gần 1 triệu đồng. Tuy vậy, khi đếm lại, tôi phát hiện số tiền mình nhận được thiếu 2 tờ 200.000 đồng và bên trong lõi có nhiều tờ tiền cũ. Tôi lập tức gọi điện cho người đổi tiền để phản ánh, nhưng người này thẳng thừng: “Nhận tiền thì phải kiểm ngay, nếu đã mang về nhà thì tự chịu trách nhiệm”. Tôi vô cùng thất vọng, tôi đã cố gắng tìm kiếm một cửa hàng đổi tiền uy tín nhưng cuối cùng lại bị lừa".
Hoạt động đổi tiền từ cá nhân là bất hợp pháp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động đổi tiền. Cụ thể, các tổ chức này bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Do vậy, việc đổi tiền lẻ, tiền mới với mức chênh lệch lớn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, cá nhân cho đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng phần trăm chênh lệch hoặc đổi tiền để thu phí,... có thể bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng. Còn với hành vi thu, đổi ngoại tệ thì mức xử phạt hành chính có thể lên đến 100 triệu đồng.
Người dân có nhu cầu đổi tiền cần đến các cơ sở được phép đổi tiền để tránh tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc đổi tiền lẻ, tiền mới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người dân có thể gặp phải tình trạng tiền giả, tiền bị rách, tiền bị mất số seri,... Vì vậy, người dân cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Tốt nhất là nên đến trực tiếp ngân hàng để đổi tiền. Tại ngân hàng, người dân sẽ được đổi tiền mới với mức chênh lệch hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn cho tiền bạc.
Để đảm bảo cho người dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg. Chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức, tiệm vàng, cơ sở kinh doanh ngoại tệ không được phép hoạt động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động ngoại hối, vàng để người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Có thể nói, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh tình trạng bị ép giá, mua phải vàng giả, tiền giả. Đồng thời, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, vàng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân.
Vài năm gần đây, nhiều người dân đã chọn “lì xì online” qua app của các ngân hàng. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), qua app ngân hàng, người dùng có thể lì xì số đẹp mang ý nghĩa tài lộc như 9999, 8888, 6666… kèm những câu chúc Tết cho bạn bè, người thân. Ngân hàng này cũng thông báo trên website của ngân hàng là tạo điều kiện cho khách hàng đổi tiền mới trực tiếp tại ngân hàng mà không mất phí.
Nhiều ngân hàng khác cũng triển khai các dịch vụ lì xì online hoặc đổi tiền mới cho khách hàng tại các điểm giao dịch, nên nhìn chung, không có tình trạng thiếu tiền mới, nhất là những loại có mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên.
LAM ANH (Tổng Hợp)