vĐồng tin tức tài chính 365

Người mua trả góp gặp khó khi vay tiền ngân hàng

2024-01-24 12:53

Muốn vay ngân hàng, phải “sạch” nợ  

Chị Thúy kể, tháng 5/2023, chị mua trả góp một số sản phẩm điện tử trị giá khoảng 40 triệu đồng qua Công ty Tài chính HD SAISON. Đến nay, chị đã thanh toán tiền gốc và lãi được 7 kỳ, chưa trễ hạn lần nào. Thế nhưng, khi làm hồ sơ vay tiền để mua nhà, nhân viên ngân hàng V. thông báo rằng, điểm tín dụng của chị không đạt do chị đang có khoản nợ công ty tài chính. Muốn được duyệt hồ sơ vay, chị phải tất toán khoản trả góp này. 

Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, tháng 1/2024, chị Thúy đã trả hết tiền gốc, lãi cho HD SAISON. Thế nhưng, ngân hàng vẫn chưa duyệt hồ sơ vay của chị do Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) vẫn chưa xóa khoản nợ của chị trên hệ thống. Thời gian chờ CIC cập nhật và xóa nợ trên hệ thống là khoảng 1 tháng, trong khi chị đã đến hạn giao tiền mua nhà. “Trả góp hay trả dứt điểm là quyền của người mua hàng. Việc ngân hàng căn cứ vào lịch sử giao dịch với các công ty tài chính để đối xử với người vay tiền như vậy là vô lý, không công bằng” - chị Thúy bức xúc.

Khách hàng đang làm thủ tục vay tiền tại Công ty Tài chính HD SAISON
Khách hàng đang làm thủ tục vay tiền tại Công ty Tài chính HD SAISON

Sau khi đứng ra vay giúp người thân gần 100 triệu đồng của Công ty Tài chính HD SAISON, anh Nguyễn Hoài Linh - chủ cơ sở cà phê và bánh kẹo Hoài Linh (quận Bình Tân, TPHCM) - làm hồ sơ vay tiền ở ngân hàng H. để kinh doanh và cũng được ngân hàng yêu cầu phải tất toán khoản vay bên công ty tài chính. Anh đã phải tất toán khoản vay của công ty tài chính nhưng vẫn bị ngân hàng ngâm hồ sơ do chờ hệ thống CIC xóa khoản nợ. Việc chờ đợi này khiến kế hoạch kinh doanh của anh không thể triển khai.

Chị Thùy Tiên (quận 11, TPHCM) thông tin, do trả góp đúng hạn khi mua hàng, chị được Công ty Tài chính FeCredit cấp thẻ tín dụng với hạn mức 30 triệu đồng. Mới đây, chị được nhân viên Ngân hàng Citibank mời mở thẻ tín dụng với hạn mức cao hơn nhưng điều kiện là chị phải đóng thẻ của FeCredit. Lý do là ngân hàng đánh giá điểm tín dụng của người sở hữu thẻ tín dụng của công ty tài chính không cao. Thậm chí, người nào sử dụng chức năng trả sau của các ví điện tử cũng bị ngân hàng xếp vào nhóm có thu nhập không ổn định. Trong khi đó, chức năng trả sau là cách để các ví tạo thuận lợi trong sử dụng cho khách hàng.

Làm vậy là không công bằng

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, đối với ngân hàng, vay tiêu dùng là vay mua nhà, sửa nhà, khoản vay thường từ 100 triệu đồng trở lên, còn với công ty tài chính, vay tiêu dùng là vay để tiêu xài, khoản vay thường dưới 100 triệu đồng. Một số người chọn vay từ công ty tài chính bởi họ chỉ có nhu cầu vay dưới 100 triệu đồng. Do đó, không hẳn tất cả người vay từ công ty tài chính là người có lịch sử tín dụng xấu.

Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có quy định nội bộ riêng, cách đánh giá rủi ro riêng để chia khách hàng thành nhiều phân khúc theo mức thu nhập. Thông thường phân khúc khách hàng của ngân hàng không lọt vào phân khúc khách hàng của các công ty tài chính và ngược lại. Người làm trong lĩnh vực tài chính thường mặc định rằng, khách hàng của các công ty tài chính là thành phần có thu nhập thấp, không ổn định, có rủi ro cao. Khi những khách hàng này làm hồ sơ vay tiền ngân hàng, họ bị đánh giá điểm tín dụng thấp, bị xem là có nguy cơ không trả được nợ.

Theo ông Huỳnh Trung Minh, khách hàng có điểm tín dụng thấp thì lãi suất cao, điểm tín dụng càng cao thì lãi suất càng thấp. Để giúp người vay có lợi thế về mặt phân loại khách hàng, hưởng được lãi suất ưu đãi hơn, các nhân viên tín dụng thường khuyên họ tất toán các khoản liên quan đến công ty tài chính chứ các ngân hàng không có quy định này. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, một số người vay tiền từ công ty tài chính hoặc chọn mua hàng trả góp là do công ty tài chính có những chương trình thuận lợi để họ trả tiền, như thời hạn trả linh hoạt, có những gói ưu đãi khi mua trả góp. Như ở Mỹ, theo báo cáo của Consumer Intelligence Research Partners (CIRP), 55% người mua iPhone là bằng hình thức trả góp bởi các nhà phân phối thường có chương trình cho trả góp với lãi suất 0%, giúp người mua có được sản phẩm với mức trả trước rất nhỏ, thậm chí là 0 USD. Người tiêu dùng nhiều nước khác cũng chuộng hình thức trả góp.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mua trả góp, vay tiêu dùng là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Có thể khái niệm vay tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính khác nhau nhưng đều hướng đến việc mở ra cơ hội cho nhiều người tiếp cận được dịch vụ vay tiền chính thống, hạn chế tín dụng “đen”. Các ngân hàng không nên xem những khách hàng có khoản vay, khoản trả góp, thẻ tín dụng ở công ty tài chính là khách hàng có lịch sử tín dụng không tốt rồi hạn chế cho vay. Làm như vậy là không công bằng với khách hàng. 

Ông khẳng định, yếu tố quan trọng để đánh giá lịch sử tín dụng hay chấm điểm tín dụng là lịch sử trả nợ của khách hàng chứ không phải là nguồn tiền mà khách đang vay. Chỉ nên đánh giá điểm tín dụng thấp khi khách trả nợ trễ nhiều lần. 

Phản ánh với Ngân hàng Nhà nước nếu bị “làm khó”

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - khẳng định: các ngân hàng không có chính sách hạn chế cho vay với người đang có khoản vay, trả góp, thẻ tín dụng tại công ty tài chính. Đây là do các nhân viên ngân hàng tự tư vấn cho khách, muốn khách hàng đảm bảo được khả năng trả nợ cho hồ sơ mà họ phụ trách. Khi bị nhân viên ngân hàng “làm khó” với lý do có lịch sử giao dịch với các công ty tài chính, khách hàng có thể phản ánh đến ngân hàng nơi mình làm hồ sơ hoặc phản ánh với chi nhánh địa phương của Ngân hàng Nhà nước.

Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.3170151a-gnah-nagn-neit-yav-ihk-ohk-pag-pog-art-aum-iougn/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags: vay

“ Người mua trả góp gặp khó khi vay tiền ngân hàng ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools