Hôm 24/1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% cho các ngân hàng thương mại từ ngày 5/2. Đây là lần giảm đầu tiên trong năm nay.
Động thái này sẽ giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) vào thị trường. Năm ngoái, các ngân hàng đã được giảm tỷ lệ này vào tháng 3 và tháng 9.
PBOC cũng sẽ giảm một số loại lãi suất cho vay khác với khu vực nông thôn và doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu từ ngày 25/1.
Nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn đang chật vật hồi phục hậu Covid-19. Trung Quốc hiện đối mặt với nhiều thách thức, từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương tăng, đến nhu cầu toàn cầu yếu đi.
Chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, nhưng hiệu quả vẫn khiêm tốn. Vì thế, giới chức càng chịu sức ép kích thích mạnh tay hơn nữa. Giới phân tích cũng cho rằng Trung Quốc cần thêm kích thích năm nay, khi chính phủ đặt mục tiêu chặn đứng nguy cơ giảm phát và ngăn tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Dù vậy, PBOC lại đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tín dụng không chảy vào tiêu dùng, sức ép giảm phát sẽ càng tăng, làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Kinh tế Trung Quốc năm 2023 tăng trưởng 5,2%, đạt mục tiêu của nước này. Tuy nhiên, nếu không tính thời kỳ đại dịch, tốc độ này vẫn là chậm nhất kể từ năm 1990. Năm nay, các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters dự báo Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, còn 4,6%.
Hà Thu (theo Reuters)