Thực tế ở Hàn Quốc cho thấy, một người có học vấn càng cao, người đó càng có khả năng không muốn sinh con. Trong một khảo sát, 36,2% người có trình độ Đại học trở lên cho biết họ không nghĩ rằng việc có con là cần thiết, trong khi 29,3% người có trình độ học vấn trung học có quan điểm như vậy.
Báo cáo cũng đưa ra một thực trạng: Gánh nặng chi phí giáo dục tư nhân của trẻ (học thêm, các chương trình ngoại khóa... ) là lý do chính khiến tỷ lệ sinh giảm, do điều này "làm gia tăng gánh nặng cho các phụ huynh".
Mỗi trẻ sinh ra được nhận gần 30 triệu won
Nhằm đối phó với tình trạng suy giảm dân số, trợ cấp tài chính được xem như một trong các biện pháp mà chính phủ Hàn Quốc triển khai để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.
Cụ thể, Ủy ban quốc gia Hàn Quốc - cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết các thách thức về tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa đã đưa ra chính sách hỗ trợ, cung cấp các khoản trợ cấp của chính phủ tổng cộng 29,6 triệu won (khoảng 22.223 USD) cho mỗi trẻ em được sinh ra trong năm 2024.
Chính phủ cũng hỗ trợ 100.000 won/tháng trong 8 năm kể từ khi em bé chào đời, tổng số tiền lên tới 9,6 triệu won. Khoản hỗ trợ tiền mặt, được gọi là "Phiếu quà gặp mặt lần đầu" sẽ cung cấp tổng số tiền 2 triệu won cho cha mẹ khi em bé chào đời. Người sinh con thứ hai nhận được 3 triệu won, tăng 1 triệu won so với năm ngoái.
"Phiếu quà tặng" có thể được sử dụng cho các trung tâm chăm sóc sau sinh, chi phí y tế, thực phẩm và các sản phẩm dành cho trẻ em. Ngoài ra, hỗ trợ lương cho cha mẹ đã được tăng lên 12 triệu won cho năm đầu tiên sinh con và 6 triệu won cho năm thứ hai, sau đó 1,2 triệu won sẽ được cấp hằng năm cho tất cả trẻ em dưới dạng trợ cấp cho đến khi trẻ đủ 7 tuổi.
Chính phủ sẽ chi trả thêm các chi phí nuôi dạy trẻ khi theo học mẫu giáo hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em, tuy nhiên, chi phí này thay đổi tùy theo thu nhập hoặc thành phần của một gia đình.
Tóm lại, mỗi trẻ em sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 2024 sẽ nhận được 29,6 triệu won tiền trợ cấp, bất kể điều kiện.
Các chuyên gia và các gia đình đang nuôi con đều đồng ý rằng hỗ trợ tiền mặt đã có tác động tích cực nhất định đến tỷ lệ sinh, nhưng chính sách này cần được công bố rộng rãi hơn và quy trình nộp đơn cần được đơn giản hóa.
Lee Chul-hee, giáo sư tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Chúng ta cần tăng khả năng tiếp cận thông tin chính sách bằng cách sử dụng nhiều phương pháp công khai khác nhau như internet, mạng xã hội và biểu ngữ. Sau đó, tập hợp các biện pháp hỗ trợ liên quan vào một nơi để người dân có thể tìm hiểu chính sách và áp dụng ngay".
Dân số Hàn Quốc giảm mạnh trong 50 năm tới
Tổng dân số Hàn Quốc dự kiến giảm mạnh trong 50 năm tới do tỷ lệ sinh thấp và quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.
Báo cáo tháng 12 của Cục Thống kê Hàn Quốc dự đoán tổng tỷ suất sinh của cả nước - số con mà một phụ nữ dự kiến sẽ có trong đời - sẽ là 0,68 vào năm 2024 và 0,65 vào năm 2025. Thậm chí, Hàn Quốc đã ghi nhận con số thấp nhất thế giới với 0,78 vào năm 2022.
Tổng dân số nước này ước tính giảm từ mức 51,67 triệu người trong năm 2022 xuống còn 50,06 triệu người năm 2040 trước khi tiếp tục giảm xuống 42,30 triệu người năm 2060 và 36,22 triệu người năm 2072. Cơ quan này dự báo tốc độ giảm dân số thường niên tại Hàn Quốc là 0,16% trong giai đoạn 10 năm 2025 - 2035, dần tăng lên 1,31% vào năm 2072.
Số trẻ sơ sinh dự báo giảm từ 250.000 trẻ năm 2022 xuống 220.000 trẻ năm 2025 và 160.000 trẻ năm 2072 trong khi số người qua đời ước tính tăng từ 360.000 người năm 2022 lên 690.000 năm 2072.
Tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi trong tổng dân số cũng sẽ giảm từ 71,1% vào năm 2022 xuống 45,8% vào năm 2072. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số ước tính tăng từ 17,4% trong năm 2022 lên 47,7% vào năm 2072.
Từ năm 2006 đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD cho kế hoạch này nhưng gần như không hiệu quả. Thay vì được cải thiện, hiện tượng tỷ lệ sinh thấp lại đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.
Đây là vấn đề xã hội lớn vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của nước này.
Theo Asianews, Koreantimes