vĐồng tin tức tài chính 365

Tình thương mến thương ở hẻm nhỏ xíu xiu

2024-01-26 09:39
Ông Đạt Tín ở căn nhà bé xíu từ thời cha mẹ để lại

Ông Đạt Tín ở căn nhà bé xíu từ thời cha mẹ để lại

Dù khó khăn, nhiều thế hệ sau chưa thể rời khỏi nơi này nhưng tình làng nghĩa xóm chính là điều quý giá giúp bà con vui sống.

Tọa lạc ở vị trí đắc địa bốn mặt tiền quận 1 (TP.HCM) nhưng nhiều căn nhà thuộc khu dân cư Cầu Ông Lãnh (hay còn gọi là khu chợ Gà - chợ Gạo ngày xưa) lại có diện tích bé nhỏ đến khó tin, chỉ tầm 2,5 - 5m2.

Người dân xoay hông thì đụng tường, nằm duỗi chân thì đụng cửa.

Ở đây thì ngó qua ngó lại, nhiều khi nhà nào ăn món gì mình nghe mùi cũng biết. Sống chợ quen rồi, đi chỗ khác buồn lắm, nhớ bà con.
Ông NGUYỄN ĐẠT TÍN

Những căn nhà nhỏ xíu xiu

Con hẻm nhỏ vào xóm nhà siêu nhỏ này ở số 127A Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1). Đường chỉ đủ hai xe máy tránh nhau và nhiều lối rẽ khi vuông vức, khi đan chéo nhau như bàn cờ là thử thách cho bất cứ ai lần đầu đến đây.

"Khu này toàn nhà nhỏ xíu không à, cỡ tầm 5m2 một căn. Nhà quá nhỏ, bởi vậy bà con ở đây hay đưa hết đồ không quan trọng ra ngoài để có chỗ ngủ nghỉ. Còn nấu ăn cũng ra đường nấu, như tôi vầy nè" - bà Lê Thị Thu, 48 tuổi, vừa đảo đều chảo cá kho đang sôi sùng sục vừa ngó qua nói với chúng tôi.

Bà cho biết mình sinh ở khu này. Những nhà ít người còn đỡ, chứ đông người thì ăn, ngủ, nghỉ phải chen chúc va chạm cả nhau. Thậm chí những căn nhỏ quá, không thể xây phòng vệ sinh, họ phải "đi ké" nhà người thân hoặc hàng xóm.

"Gần đây mới có một số nhà xây được phòng vệ sinh nhưng cũng tính kỹ vì phải xén diện tích sinh hoạt. Nhưng vậy cũng đỡ lắm rồi, xưa dân đây đa phần đi vệ sinh công cộng ngoài chợ Dân Sinh, chợ Cầu Muối, nếu hết chỗ thì cứ đi lòng vòng vậy đó!" - bà Thu cười xòa, nhớ lại.

Nhà như hộp diêm, xe máy bà con cũng để cặp sát nhà, hai bên hẻm. Những căn nhà 5m2 tưởng chừng đã quá chật hẹp, nhưng ở đây còn có những căn nhà siêu nhỏ hơn nữa với chỉ vỏn vẹn 2,5m2.

"Tôi mua căn nhà này ngang 1m, dài 2,5m với giá 1 cây vàng, ở từ xưa giờ. Cái sạp này trước kia là của một người lớn tuổi, khi người này mất thì Nhà nước cấp lại cho ông tổ trưởng ở đây, rồi ổng mới làm cái nhà bếp ăn để bán cơm, rồi sau đó nữa ổng mới cắt ra thành ba hộ, mỗi người chui rúc ở một chút vậy đó!", bà Huỳnh Thị Phượng Liên (57 tuổi, số nhà 107A KDC Cầu Ông Lãnh) cho hay.

Vậy mà nơi này đang là chỗ trú ngụ cả ba người trong nhà bà, không đủ để có được khu vệ sinh, thậm chí bếp phải dời ra ngoài đường.

"Tết nhất, khách khứa thì mời ra ngoài uống cà phê chứ nhà chật lắm, nấu ăn thì cũng đem ra đường vậy đó. Nhưng khu này tuy nghèo chứ bà con hòa đồng, mến nhau lắm!" - bà Liên tay phe phẩy quạt, tâm sự.

Một hộ dân hiếm hoi còn mưu sinh nghề bán gà

Một hộ dân hiếm hoi còn mưu sinh nghề bán gà

"60 năm cuộc đời"

Chúng tôi dừng lại trước gian nhà vỏn vẹn chừng 5m2, ông Nguyễn Đạt Tín (62 tuổi, KDC Cầu Ông Lãnh) rổn rảng kể: "Đây là nhà cha mẹ để lại như nhà tổ vậy đó. Nhỏ thiệt nhưng tôi đã ở đây từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới giờ, âu cũng là nhân duyên".

Nhà nhỏ xíu, nhưng đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp. Thấy khách có vẻ tò mò, người đàn ông tóc đã bạc trắng thân thiện chia sẻ chuyện "60 năm đời mình".

"Cha mẹ tôi gốc Cần Thơ lên Sài Gòn lập nghiệp, mở sạp bán gà mưu sinh rồi sinh con đẻ cái. Lúc đó, cha mẹ và chục anh chị em tôi đều sống ở đây hết. Khu này có tên gọi là chợ Gà vì trước kia nhiều người mở sạp bán gà vịt", ông Tín kể chuyện xưa.

Hiện tại ông sống ở nhà này một mình, phần vì lúc xưa nhà ông nghèo khó, phần vì mải mê làm ăn, tuổi thanh xuân trôi qua lúc nào không hay. Rồi sau nhiều biến cố, đặc biệt là sau vụ cháy định mệnh cách đây gần chục năm thì ông gần như không mảy may gì ý định lập gia đình.

"Tôi nhớ từ một cái sạp che tạm, cha mẹ tôi cất lên được cái nhà gỗ, cả gia đình đều nương tựa ở đây. Rồi năm đó cháy lớn, rụi hết nhiều căn nhà và tài sản. Cũng nhờ chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ, chúng tôi mới xây lại được cái nhà nhỏ vầy", ông Tín kể thêm bà con lối xóm dù gia cảnh khó khăn nhưng tình nghĩa thì đầy tràn.

Những căn nhà ở đây luôn mở toang cửa để í ới, chia sẻ cuộc sống hằng ngày với nhau.

Cách đó một con hẻm, dấu vết khu chợ Gà xưa vẫn còn ở căn nhà nhỏ.

Là một trong số rất ít những hộ dân còn bán gà ở khu này, bà Trần Thị Hoa (70 tuổi, nhà số 23 KDC Cầu Ông Lãnh) vui vẻ cho hay: "13 tuổi tôi đã phụ má bán gà. Lớn lên có gia đình, vợ chồng tôi cũng bán gà. Chồng tôi mất hơn 20 năm rồi, tôi nuôi hai đứa con một trai một gái. Tính ra tôi làm nghề này miệt mài cũng hơn 60 năm. Chưa kể đời con gái tôi nó vẫn kế nghiệp bán gà".

Trong ký ức bà Hoa, trước đây chợ Gà người ra kẻ vào tấp nập, nhưng giờ ai vào đây đa số chỉ là dân địa phương. Một số ít là mối ruột tới mua gà hoặc thuê sơ chế gà mà thôi.

"Ở đây bà con sống với nhau ngót nghét cả đời người rồi, dù nhà chật ở riết cũng thành quen, hàng xóm mến nhau, đi đâu xa cũng khó lòng lắm!".

Cũng khu chợ Gà này, chúng tôi trò chuyện với một phụ nữ được bà con gọi thân thương là "đầu bếp chính".

"Tôi có nhà nhỏ vậy để sống là mừng rồi, nhìn người ta sống bất tiện mình cũng thương nên giúp được gì thì giúp. Kiểu như lâu lâu ai thèm món gì thì nói tôi, tôi mua đồ về nấu ngon, bán rẻ cho họ", bà Trần Thị Lệ (63 tuổi, ngụ tại KDC Cầu Ông Lãnh) tâm sự.

Bình thường bà mở một quán cơm nhỏ xíu xiu tại nhà. Mỗi ngày bà dậy sớm đi chợ, nấu vài món thịt, cá, tôm, mực, độ chừng 10 - 15 dĩa cơm để bán cho những người trong xóm không có bếp núc.

"Dạo này thực phẩm mắc quá, mà nếu lên giá phần cơm thì hổng ai mua, bà con toàn dân lao động nghèo nên thôi tôi cứ bán giá cũ, lời ít chút cũng được" - bà Lệ cười khà khà chia sẻ thêm nếu ngày nào bán hết thì kiếm lời tầm 150.000 đồng để mua thuốc men, sinh hoạt hằng ngày.

Còn bán ế, lỗ vốn thì bà… nghỉ vài ngày, chừng nào có vốn lại vui vẻ bán tiếp.

Bà Phượng Liên tươi cười trong căn nhà siêu nhỏ như hộp diêm - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Bà Phượng Liên tươi cười trong căn nhà siêu nhỏ như hộp diêm - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Ký ức buồn ở khu chợ cháy

Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở chợ Gà - Gạo vào trưa 1-12-2015 thiêu rụi hoàn toàn 8 căn nhà và 5 căn bị cháy sém một phần. Thời điểm đó, khu vực này có hơn 100 hộ dân sinh sống trong các căn nhà sâu trong hẻm nhỏ.

"Hồi đó, lửa bén lên từ mấy tầng cao nên không ai hay biết gì cả. Tới lúc khói lửa bốc lên mù mịt thì cháy đã lớn lắm rồi. Nhà cửa lụp xụp, hẻm thì nhỏ nên việc cứu hỏa khó khăn lắm", bà Trần Thị Hoa nhớ lại.

Mặc dù không có người chết, nhiều tiểu thương lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần sau "bão lửa". Những ki ốt vốn dĩ từng ăn nên làm ra chỉ còn trong ký ức và giờ đây được người dân trưng dụng làm chỗ ở dù chật hẹp nhưng quen thuộc.

Mua nhà Mua nhà 'siêu tí hon' chỉ từ 10m2 ở TP.HCM

TTO - Tiền bạc có hạn, thay vì lựa chọn căn hộ chung cư ở xa, nhiều người nhắm đến những căn nhà "siêu tí hon" diện tích chỉ từ 10m2 ở nội thành TP.HCM. "Chật chút nhưng cũng có cái tiện ở phố, gần chỗ làm, trường học" như nhiều người tâm sự.

Xem thêm: mth.80620633252104202-uix-uix-ohn-meh-o-gnouht-nem-gnouht-hnit/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tình thương mến thương ở hẻm nhỏ xíu xiu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools