Nhận định trên được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đưa ra tại buổi làm việc với chợ đầu mối Bình Điền nhằm đánh giá tình hình mãi lực, hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn TP.HCM, diễn ra khuya 25-1.
Ngăn tình trạng ghim hàng, tăng giá
Theo ông Dũng, Sở Tài chính TP cho biết giá đang ổn định nhưng nếu để kiểm soát được hết về giá thì chúng ta rất cực. Do đó, 21 quận, huyện, TP Thủ Đức và 312 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP phải cùng với ngành chức năng kiểm soát giá cả nguồn cung, hoạt động chợ truyền thống dịp Tết này.
"Thấy đánh giá vậy chứ ngày mai nó hụt hàng, giá tăng đột biến thì chúng ta lấy hàng ở đâu ra để cung cấp cho người dân. TP phải kiểm soát để không tạo ra chuyện sốt hàng hóa, vì sốt hàng hóa sẽ kéo theo sốt giá cả. Các sở ngành liên quan phải ngăn tình trạng ghim hàng, đội giá bán", ông Dũng yêu cầu.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết với tình hình cung cầu hiện nay, khả năng giá hàng Tết nếu có biến động thì chỉ biến động cục bộ ở các chợ lẻ do tiểu thương lo sức mua thấp, ít nhập hàng, dẫn đến không đủ cung ứng.
Trong khi đó, góc độ về an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng chợ đầu mối như là xương sống, nên việc đảm bảo thực phẩm tại đây là rất quan trọng, đảm bảo từ nguồn để từ đó yên tâm hơn khi hàng hóa đi về chợ lẻ, bếp ăn tập thể...
"Nếu từ nguồn không bảo đảm an toàn thì những khúc sau coi như vô nghĩa. Hiện chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn có một đội chuyên trách riêng, và chúng tôi đang tăng cường tần suất kiểm soát, lấy mẫu để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết", bà Lan khẳng định.
Hàng dồi dào, giá ổn định
Tại buổi làm việc, ông Phan Thành Tân, giám đốc Công ty quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày, sản lượng hàng hóa chưa tăng, thậm chí giảm nhẹ do nhu cầu thị trường giảm.
Dự kiến trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân với mức 20 - 35% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (dự kiến từ 26 và 27 tháng chạp), sản lượng có thể tăng từ 40 - 60%, đạt khoảng 3.200 - 4.000 tấn/đêm. Từ đêm 27 tháng chạp, lượng hàng hóa nhập chợ bắt đầu giảm dần, đến đêm 28 tháng chạp sản lượng giảm xuống rất thấp, chỉ bằng 50-60% so với ngày thường.
Giá cả hàng hóa trong dịp Tết thường tăng vào thời điểm cận Tết (từ 25 - 28 tháng chạp). Xu hướng tăng giá chủ yếu là những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết như: cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, quýt đường, cải thảo... với mức tăng từ 10 - 20%; một số mặt hàng hoa tươi tăng giá từ 2 - 3 lần lúc bình thường; còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều.
Riêng mặt hàng thịt súc sản, gia cầm dự kiến năm nay không tăng nhiều, ước dao động khoảng 10 - 20% do nhu cầu thị trường không cao.
Tương tự, tại buổi làm việc với Sở An toàn thực phẩm TP vào khuya 25-1, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết 4 ngày cận Tết Nguyên đán lượng hàng nhập chợ đạt khoảng 3.500 tấn/ngày đêm, tăng 50% so với ngày thường, do đó sẽ đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Theo đơn vị này, do sức mua được đánh giá yếu hơn mọi năm nên giá bán một số mặt hàng đang thấp hơn hoặc ổn định như củ kiệu 45.000 - 50.000 đồng/kg, thịt heo hơi loại 1 59.000 đồng/kg...
"Với tình trạng cung cầu hiện nay, giá bán cận Tết khả năng duy trì ổn định, trừ một số mặt hàng như hoa, trái cây chưng Tết có thể tăng cục bộ vào 2 ngày cuối do nhu cầu tăng mạnh".
Dù buôn bán ế ẩm, nhưng khi được hỏi về việc có ý định chuyển dịch sang bán online hay không, đa phần tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đều khẳng định là 'không', bởi 'không thích'.