Những ngày cận Tết, thường là dịp các khu chợ nhộn nhịp, tấp nập hơn ngày thường. Tuy nhiên, trái với cảnh tượng trên, các khu chợ truyền thống tại Hà Nội lại đìu hiu, vắng vẻ khiến tiểu thương than ngắn, thở dài.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong chiều 26-1, các gian hàng gần như không có hoặc chỉ lác đác một vài khách vào hỏi mua. Buôn bán ế ẩm, các tiểu thương ở đây người ngồi tụm ba, tụm năm nói chuyện, người ngồi lướt điện thoại, người ngủ...
Bán hàng tại chợ Hôm - Đức Viên được 30 năm, cô Doanh cho biết chưa bao giờ chứng kiến cảnh chợ vắng vẻ như năm nay. Không có cảnh khách hàng ra vào mua nườm nượp, năm nay chủ sạp "ngồi chơi từ sáng tới tối".
"Mọi năm 10 thì nay chỉ được 5-6 phần, không có người mua. Tôi bán ở đây được 30 năm rồi nhưng năm nay là ế nhất. Đợt sau dịch COVID-19 đi bán hàng trở lại cũng không ế ẩm như năm nay, không đến mức độ như thế này. Khủng khiếp thật sự, vắng... " - cô Doanh nói kèm tiếng thở dài.
Chợ Hôm - Đức Viên là khu chợ truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội với hoạt động bán buôn bán lẻ các mặt hàng quần áo, giày dép, vải vóc, phụ kiện…
Tại chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tình hình buôn bán còn "thảm" hơn. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong chiều cùng ngày, cả khu chợ có thời điểm không có một bóng người qua lại. Chợ ế khách, một số tiểu thương tranh thủ dùng điện thoại lên mạng xem... livestream bán hàng.
"Ôi vắng lắm... Bọn chị ở đây chết đứ đừ. Cũng thử tập bán online nhưng không bán được, không có tương tác. Người ta livestream lâu rồi nên người ta bán được, còn mình không cạnh tranh được" - một tiểu thương bán quần áo tại chợ Hàng Da nói với Tuổi Trẻ.
Trái ngược với cảnh mua sắm nhộn nhịp ở chợ Tết mọi năm, năm nay dù đã cận Tết, sức mua ở các chợ truyền thống èo uột, tiểu thương nóng lòng đợi khách.