Sau 2 lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học, nguyện vọng của tôi cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và phỏng vấn. Khi biết mình trúng tuyển, tôi rất vui mừng, sung sướng không thể diễn tả hết thành lời.
Vui vì mình được góp một phần công sức nhỏ bé đối với biển đảo quê hương, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi còn nhiều khó khăn vất vả, nơi có thời tiết rất khắc nghiệt, nơi quanh năm bốn bề sóng gió, nơi ngày đêm luôn căng mắt sa trường, nhất cử nhất động canh giữ vùng trời, vùng biển.
Từ khi đặt chân lên tàu tại cảng Vùng 4 Hải quân và bước lên đảo Song Tử Tây, tôi càng yêu hơn hai chữ "Trường Sa". Quả thật, ra đến đây mới thấm, hiểu hết nỗi gian truân vất vả mà các anh em chiến sĩ, người dân nơi đây phải gánh chịu, quanh năm sóng gió quăng quật bủa vây.
Hành trình của tôi đi gần một tháng mới bước chân lên đảo, trong khoảng thời gian đó tàu gặp nhiều cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành bão. Sóng cuồn cuộn, xô đẩy, quăng quật, ầm ào tạt lên trắng xóa cả boong tàu.
Anh em chiến sĩ, người dân đã bong tróc cả da tay, chảy máu đầu ngón chân vì ghì chân xuống cát, tay giữ dây xuồng cho chúng tôi bước lên đảo an toàn. Vậy nhưng khi tôi hỏi thăm, ai nấy đều nở nụ cười thật tươi: "Chuyện này bình thường, anh em sống ở đảo đã quen với sóng gió, có khi còn hơn thế nữa".
Và thật sự xúc động hơn khi chứng kiến anh em đón Tết xa nhà ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, quanh năm chỉ có nắng, gió và sóng biển. Những cuộc điện thoại gọi về đất liền thăm hỏi, chúc Tết người thân, vợ con, bố mẹ nhiều lúc sóng mạng trầy trật lúc nghe được lúc không.
Tết ở Trường Sa rất đặc biệt. Cái không khí đón xuân xốn xang thân tình, đầm ấm nơi đầu sóng ngọn gió thì không có gì tả được. Trước Tết khoảng một tuần, mọi người trên đảo cùng nhau bắt tay vào việc tổng dọn vệ sinh, vườn tược, nhà cửa, các con đường, trang hoàng cờ hoa.
Anh em cán bộ chiến sĩ và người dân phụ nhau, dọn dẹp giúp đỡ qua lại. Ai có món gì ngon gửi từ đất liền ra, hoặc tự làm, đều san sẻ với nhau. Không khí thi gói bánh chưng, bánh tét ngày 29 Tết giữa các cụm, phân đội, trong đó có các hộ dân gói chung với đơn vị kết nghĩa rộn ràng, vui tươi.
Ngoài gói bánh bằng lá dong, còn có gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, điều này rất đặc biệt, tôi chưa thấy ở đất liền. Hái lá bàng vuông cũng rất kỳ công, phải leo lên cây tìm, chọn lựa từng lá tỉ mỉ. Lá phải to, xanh mướt, vì sóng gió, muối mặn thường làm cho lá nhanh teo tóp, vàng úa.
Khi ăn bánh được gói bằng lá bàng vuông, hương vị cũng khác hơn. Hương vị chan chát, nồng nồng, mặn mặn của biển hòa quyện với hương gạo nếp, đậu xanh, thịt heo ba chỉ… tạo nên một mùi thơm không lẫn vào đâu được, cũng khó vùng nào có được loại bánh chưng, bánh tét này.
Đêm giao thừa ở đảo, tất cả mọi người tập trung lên hội trường giao lưu văn nghệ mừng xuân, thi hát karaoke, thi hái hoa dân chủ... từ lúc 20h cho đến giao thừa. Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người ngồi ngay ngắn im lặng, nghe Chủ tịch nước chúc Tết.
Sáng mùng 1 Tết, cả quân dân trên đảo tập trung trước cột mốc chủ quyền chào cờ đầu năm. Khoảnh khắc thiêng liêng này rất xúc động, tôi không thể nào quên được. Sau đó mọi người đi thắp hương chùa, tượng đài Trần Quốc Tuấn. Rồi đi chúc Tết, khi đến nhà dân hay đến các đơn vị đều lấy trà thay rượu chúc nhau, nhưng không vì thế mà mất đi sự nồng nàn, thân tình.
Chiều mùng 1 cho đến mùng 3 Tết diễn ra các trò chơi dân gian như: thi kéo co, nhảy bao bố, đá banh, bóng chuyền... vô cùng sôi nổi, vui tươi, đoàn kết.
Mặc dù tôi đã trở về đất liền công tác nhưng những hình ảnh, sự gắn bó, không khí đón Tết vui tươi ở nơi đảo xa vẫn còn mãi trong trái tim.
Tôi cùng mẹ đi dạo quanh thành cổ, ghé ngang một quán trà, gọi một ấm nhỏ ngát hương, đun biết bao tâm sự thành làn khói mỏng manh.