Hiện nay, đang có hai luồng quan điểm khác nhau đó là nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong năm 2024, dẫn đến định hướng chính sách tiền tệ sẽ giảm lãi suất nhanh. Đối với thị trường Việt Nam cũng như các tài sản tài chính ở Việt Nam có thể tăng giá vào cuối năm 2024.
Trong đó, những dấu hiệu tiềm tàng của suy thoái kinh tế Mỹ 2024 - 2025 bao gồm đường cong lãi suất đảo ngược (lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lãi suất kỳ hạn dài của trái phiếu chính phủ Mỹ); lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn ở mức cao; và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ bắt đầu có dấu hiệu tăng.
Quan điểm ngược lại là khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm và không suy thoái. Như vậy, thông điệp “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn” về chính sách tiền tệ của Mỹ tiếp tục thắt chặt trong kỳ hạn dài. Từ đó cần có góc nhìn thận trọng hơn đối với thị trường tài chính Việt Nam.
Về quan điểm cá nhân, tôi không cho rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn có những cú hạ cánh rất nhẹ nhàng. Đánh giá nền kinh tế Mỹ nhìn từ tỷ lệ thất nghiệp, có một ảnh hưởng rất quan trọng giữa tăng trưởng kinh tế và trạng thái toàn dụng lao động.
Theo đó, điều kiện lý tưởng nhất của một nền kinh tế là tất cả mọi người đều có việc làm (trừ những người thất nghiệp tự nhiên), thì GDP thực tăng trưởng được gọi là cân bằng toàn dụng lao động. Đối với nền kinh tế hướng tới thất nghiệp gia tăng, không còn toàn dụng lao động sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế và gọi là suy thoái toàn dụng lao động. Dữ liệu 12 cuộc suy thoái trước đó của Mỹ đều cho thấy, nguyên nhân là do sản lượng giảm và thất nghiệp tăng lên. Còn khi lãi suất rẻ, cung tiền nhiều và hoạt động sản xuất kinh doanh dư thừa, gây ra mức trên cân bằng toàn dụng lao động.
Thời gian vừa qua, Mỹ đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong hơn một năm để kiềm chế lạm phát. Mục tiêu của Fed là đưa lạm phát về mức 2%, nhưng cơ bản thị trường lao động lại vẫn dưới toàn dụng và tỷ lệ việc làm tiếp tục tăng, xuất hiện một nghịch lý là dù môi trường lãi suất cao nhưng việc làm mới càng tạo ra nhiều.
Thực tế, lãi suất ở thị trường Mỹ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố trong đó có thị trường lao động, vì vậy chúng ta không thể lấy riêng yếu tố này để dự báo năm tới nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm. Tuy nhiên, chúng ta dùng điều đó để giải thích cho việc GDP sẽ bị ảnh hưởng từ từ và mức độ suy thoái như một số dự báo sẽ không diễn ra quá mạnh mẽ vào năm sau.
Khả năng cao Fed sẽ vẫn giảm lãi suất sớm hơn để hỗ trợ tốt cho nền kinh tế Mỹ. Từ nay cho đến ngày 1/5/2024, cuộc họp của Fed sẽ diễn ra và nếu theo thị trường kỳ vọng thì đó sẽ là đợt giảm lãi suất đầu tiên. Tôi cho rằng từ nay đến thời điểm đó, số lượng việc làm tại Mỹ còn tiếp tục tăng thêm chứ không tăng tỷ lệ thất nghiệp khiến nền kinh tế Mỹ bị hạ cánh cứng.
Ngoài câu chuyện về dữ liệu, một thực tế nữa là do Covid-19 đẩy lãi suất tại Mỹ tăng cao, nhưng đây vẫn là nền kinh tế mạnh nhất trong các nền kinh tế phát triển, so với các nước như Anh, Pháp, Đức, Nhật,... Nhìn sang các nước như Trung Quốc, hiện quốc gia này đang thiếu lực lượng lao động và Nhật Bản cũng tương tự, như vậy, mối tương quan về lực lượng lao động là rất quan trọng cho một quốc gia phát triển kinh tế.
Đây cũng là bài học cho Việt Nam, chúng tôi vẫn ủng hộ việc tăng lợi thế cạnh tranh từ nhiều yếu tố. Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã họp tất cả các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, trong bối cảnh chúng ta tăng trưởng kinh tế còn dựa trên tín dụng. Vì vậy vấn đề lãi suất với Việt Nam là vô cùng quan trọng. Và ngoài việc có hàm lượng tri thức, hàm lượng công nghệ hay cần thêm yếu tố “xanh”... thì chúng ta còn phải có cấu trúc nền kinh tế phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế./.
PHAN LÊ THÀNH LONG, Chuyên gia tài chính
Xem thêm: lmth.81442000042210202-gnort-naht-man-teiv-hnihc-iat-gnourt-iht-iaoht-yus-ohk-ym/nv.semitaer