Tờ The Guardian cho hay nước Pháp trong tuần qua đã chứng kiến cảnh tượng phẫn nộ của người nông dân với hàng đoàn xe công nông chặn mọi nẻo đường, chất rơm đốt khắp nơi, trong khi vô số các cơ quan chính phủ, tượng đài hay những khu vực công cộng bị "ném phân".
Hơn 70% tuyến đường ô tô tại Pháp trong tuần qua đã bị chặn ít nhất một phần, qua đó gây ùn tắc giao thông trên toàn quốc. Hàng loạt video người nông dân lái máy phun phân bón lên các tòa nhà chính phủ hay khu vực công cộng để biểu tình lan tràn trên mạng.
Trớ trêu hơn, khảo sát của The Guardian cho thấy 90% người dân ủng hộ cuộc biểu tình này, thế nhưng chẳng có ai chịu "giải cứu" nông sản hay ủng hộ sản phẩm địa phương vì giá quá đắt.
Vậy chuyện gì đang diễn ra với ngành công nghiệp từng tự hào chỉ chiếm 4% lao động nhưng thừa sức nuôi sống toàn dân này?
Cuộc biểu tình của nông dân Pháp
Cường quốc nông nghiệp
Pháp từng là một nước nông nghiệp lạc hậu đến mức không thể tự cung ứng đủ lương thực cho người dân.
Thế nhưng nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này đã nhanh chóng tạo nên cuộc cách mạng nông nghiệp để trở thành nước đứng thứ 8 thế giới và đứng đầu Liên minh Châu Âu (EU) về sản lượng nông nghiệp.
Ngày nay, thế hệ nông dân trẻ ở Pháp coi nông nghiệp là một ngành nghề đòi hỏi kỹ năng không kém gì những công việc khác. Người nông dân phải quy hoạch đất trồng, tính toán lượng phân bón, thuốc trừ sâu, trồng hay chăn nuôi thứ gì để đem lại lợi nhuận nhất.
Nông nghiệp đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp 3% tổng GDP. Đặc biệt, những sản phẩm nông nghiệp của Pháp như rượu vang, sữa, thịt bò, củ cải đường… đều có sản lượng và chất lượng hàng đầu thế giới.
Để làm được điều này, chính phủ Pháp thành lập một hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vô cùng chặt chẽ.
Theo Bộ nông nghiệp và thực phẩm Pháp, nước này thực hiện khoảng 30.000 cuộc kiểm tra với các doanh nghiệp và 60.000 cuộc kiểm tra với các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo hàng nông sản của nước này luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tại các trang trại, động vật chăn nuôi được gắn mã số suốt đời, được kiểm nghiệm hàng tuần về chất lượng và sẽ bị phạt nặng cũng như hủy bỏ nếu vi phạm.
Ngoài ra, Pháp thành lập khá nhiều các nghiệp đoàn nhằm đảm bảo chất lượng thịt giết mổ cũng như những sản phẩm nông sản khác. Nổi tiếng nhất trong số đó là nghiệp đoàn đa nghề (Fict) và Hội liên ngành rau củ quả (Interfel).
Bên cạnh đó, chính quyền Paris cũng lưu ý đến môi trường sinh thái khi đưa ra chương trình hạn chế sử dụng hóa chất trong các sản phẩm động thực vật, qua đó giảm gần 40% lượng kháng sinh sử dụng cũng như tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, cũng chính vì những quy trình kiểm duyệt khắt khe này lại đang khiến người nông dân Pháp gặp khó.
Tốt quá hóa dở
Theo The Guardian, người nông dân Pháp than phiền việc chính phủ có tiêu chuẩn kép khi ép buộc các trang trại trồng trọt hữu cơ, bảo vệ môi trường, nâng cao tiêu chuẩn hơn nữa nhưng vẫn đòi hỏi họ phải đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho người dân.
Trong khi đó các sản phẩm hữu cơ của Pháp lại dần trở nên đắt đỏ hơn so với nông sản nhập khẩu vì phải trải qua quá nhiều tiêu chuẩn kiểm duyệt khắt khe.
Hậu quả là lợi nhuận của người nông dân giảm sút vì doanh số yếu, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Tồi tệ hơn, mức sống của người nông dân Pháp ngày càng khó khăn hơn khi 2/3 số nông dân chỉ kiếm được chưa đến 4.500 Euro/năm và hơn một nửa đã qua tuổi 50 do lớp trẻ bỏ lên thành phố kiếm việc.
Những trang trại tại Pháp ngày càng bị ràng buộc nhiều hơn bởi các quy tắc, quy định, giấy tờ khiến công việc trở nên khó khăn.
Hàng loạt những tiêu chuẩn, lệnh cấm về thuốc trừ sâu, hóa chất diệt cỏ hay các giấy tờ tiêu chuẩn của EU khiến nông dân Pháp tốn nhiều chi phí hơn.
Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh không lành mạnh từ thực phẩm nhập khẩu có tiêu chuẩn thấp hơn và giá rẻ hơn.
Minh chứng rõ ràng nhất là nguy cơ lan tràn thịt và nông sản giá rẻ từ Châu Mỹ Latinh thông qua hiệp định thương mại tự do Mercosur khiến người nông dân Pháp đối mặt rủi ro phá sản.
Xin được nhắc rằng nông dân Pháp nhận được trợ cấp 7,5 tỷ Euro mỗi năm từ EU, nhiều hơn bất kỳ thành viên nào khác, và các trang trại Pháp sẽ chẳng thể có lợi nhuận nếu thiếu các khoản trợ cấp này.
Thế rồi giọt nước tràn ly diễn ra khi chính quyền Paris xem xét giảm trợ cấp giá dầu diesel cho nông nghiệp trong bối cảnh căng thẳng năng lượng.
Điều này đã làm bùng nổ cuộc biểu tình lớn chưa từng có của người nông dân Pháp, khiến kể cả khi chính phủ tạm hoãn kế hoạch giảm trợ cấp giá dầu diesel cho nông nghiệp thì các công đoàn vẫn không từ bỏ việc xuống đường "ném phân".
Không sống nổi với nghề
"Tôi yêu nghề nông và trong suốt 9 năm trời gắn bó chưa bao giờ xuống đường biểu tình cả. Tôi thà ở nhà chăn nuôi còn tốt hơn. Tuy nhiên mọi chuyện ngày càng khó khăn hơn, chất lượng thì phải đi kèm với giá cả nhưng chúng tôi thì lại chẳng thể cạnh tranh nổi nếu làm theo lời chính phủ", anh Pierre Bretagne, một nông dân ở Pornic-Pháp than thở khi lần đầu tiên trong đời xuống đường biểu tình.
Người nông dân này cho hay dù khách hàng Pháp thông cảm và ủng hộ cuộc biểu tình của họ nhưng vấn đề là chẳng ai chịu mua hàng nội địa vì giá đắt hơn so với nông sản nhập khẩu.
"Thật là thảm họa", anh Bretagne ngậm ngùi khi cho biết doanh số nông sản hữu cơ đang giảm mạnh và tạo nên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp Pháp.
Xuất thân từ nhà nông, cha của Bretagne cũng làm việc ở trang trại và qua đời ở tuổi 60 vì kiệt sức do không thể thích nghi được với đà thay đổi của nhu cầu thị trường nông nghiệp.
Đến đời Bretagne, người nông dân chăm chỉ này cũng chỉ kiếm được 600-700 Euro/tháng, tương đương hơn 18 triệu đồng và chẳng đủ trang trải chi phí.
Tình hình khó khăn đến mức anh Bretagne phải bán các sản phẩm hữu cơ của mình với mức giá rẻ như nông sản thường thì mới cạnh tranh tiêu thụ được.
Thứ duy nhất giữ cho gia đình anh Bretagne với 2 đứa con nhỏ trụ vững là tiền lương nghề y tá trợ giúp người khuyết tật của người vợ.
"Thế giới đang thay đổi nhanh quá. Người nông dân như tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa", anh Bretagne chán nản.
Đồng quan điểm, chị Natacha Guillemet đến từ Vendee cho biết mức giá người trung gian trả cho nông sản quá thấp trong khi chi phí năng lượng, phân bón, bảo hiểm...ngày một tăng cao.
Tệ hơn nữa là người tiêu dùng Pháp dù đồng cảm nhưng họ vẫn chọn sản phẩm giá rẻ trên hết trong bối cảnh siết chặt chi tiêu hiện nay.
"Sự bất cập này đã tồn tại nhiều năm ở Pháp rồi. Trong suốt 22 năm làm nông của tôi, mặt hàng sữa hữu cơ tốn nhiều chi phí hơn nhưng giá mua của thương lái lại liên tục giảm", ông Olivier Chemin tại Mayenne-Pháp bức xúc.
Cũng theo ông Chemin, tỷ lệ tự tử của các hộ nông dân nhỏ lẻ tại Pháp đang ngày một gia tăng khi nhiều người chỉ kiếm được 500 Euro/tháng trong khi phải lao động vất vả 60 tiếng mỗi tuần cùng hàng giờ giải quyết đống giấy tờ thủ tục hành chính về tiêu chuẩn chất lượng.
"Đây là vấn đề sống còn với người nông dân Pháp khi chúng tôi không sống nổi với nghề", anh Alexis, một nông dân trồng bắp cải ở Brittany-Pháp nói thẳng.
*Nguồn: The Guardian