Trong phán quyết ngày 29-1 sau phiên tòa kéo dài 18 tháng, thẩm phán Hong Kong Linda Chan cho rằng như vậy đã "quá đủ" với Tập đoàn Evergrande (Hằng Đại).
Evergrande đã không thể thuyết phục được tòa án rằng họ có kế hoạch tái cơ cấu hiệu quả, sau khi đã được gia hạn 7 lần trong hơn 18 tháng qua. Top Shine, một nhà đầu tư tại công ty con Fangchebao của Evergrande, đã đệ đơn đòi Evergrande phải thanh lý tài sản vào tháng 6-2022.
Tuy nhiên Evergrande vẫn có thể kháng cáo.
Trước đó công ty bất động sản Trung Quốc đã lên kế hoạch cải tổ khoản nợ trị giá 23 tỉ USD. Nhưng kế hoạch này đã đổ bể vào tháng 9-2023, khi nhà sáng lập công ty, tỉ phú Hui Ka Yan, đang bị điều tra vì "nghi ngờ phạm tội".
Công ty này đã vỡ nợ từ năm 2021 vì không thể trả nổi khoản nợ lên đến 300 tỉ USD.
Theo báo Guardian, dự kiến sẽ có một nhóm thanh lý được chỉ định nắm quyền kiểm soát tài sản của Evergrande, đàm phán với các chủ nợ về việc cơ cấu lại nợ và nắm quyền quản lý công ty.
Quá trình này dự kiến phức tạp nhưng ít ảnh hưởng đến hoạt động trước mắt của công ty. Việc nhóm thanh lý nước ngoài, do các chủ nợ chỉ định, có thể mất vài tháng hoặc vài năm để kiểm soát các công ty con của Evergrande ở Trung Quốc. Chưa kể quá trình này sẽ gặp không ít khó khăn.
Nhà phân tích Anne Stevenson-Yang, người sáng lập tổ chức J Capital Research, cho biết pháp lý tại Trung Quốc khác với Hong Kong và trong các trường hợp tương tự trước đây đã cho thấy các quy trình này rất mịt mù.
"Tôi nghĩ vấn đề là thực sự không có một quy trình pháp lý có trật tự nào cả", bà Anne nói.
Trong khi đó chiến lược gia Redmond Wong nhận định khả năng các cổ đông của Evergrande ở Hong Kong sẽ khó thu lại được gì từ quá trình thanh lý của công ty này.
"Đối với các chủ nợ nước ngoài, trọng tâm sẽ là liệu nhóm thanh lý có thể nộp đơn xin hỗ trợ lên các tòa án đại lục ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hạ Môn theo cơ chế hợp tác được tái lập vào năm 2021 và nắm giữ tài sản ở đại lục hay không", ông Wong nói.
Sau phán quyết của tòa án Hong Kong, các hoạt động giao dịch của China Evergrande, China Evergrande New Energy Vehicle Group và Evergrande Property Services đã bị tạm dừng. Cổ phiếu của các công ty này đã mất giá đến 20% trước phiên tòa.
Đến nay vẫn chưa rõ phán quyết này sẽ tác động như thế nào đến ngành công nghiệp và nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc.
Kể từ khi chính quyền trung ương Trung Quốc thắt chặt các quy định vào năm 2020, các công ty nắm giữ khoảng 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ. Trong khi đó, Bắc Kinh đang phải vật lộn với việc kinh tế trì trệ, thị trường bất động sản tồi tệ nhất trong 9 năm và thị trường chứng khoán gần mức thấp nhất trong 5 năm.
Phó chủ tịch tập đoàn xe điện Trung Quốc Evergrande New Energy Vehicle Group đã bị giam giữ và đang bị điều tra hình sự. Điều này khiến cổ phiếu công ty sụt giảm, đánh dấu một bước thụt lùi khác sau kế hoạch bán cổ phần thất bại.