Ăn ít rau quả có thể nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết rau, trái cây là một trong 4 nhóm thực phẩm cần thiết để có một bữa ăn hợp lý trong gia đình. Ăn ít rau trái là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong/năm, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới.
Đây cũng là nguyên nhân của 19% số ca mắc ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cục bộ, 11% số trường hợp đột quỵ.
Giá trị của rau trái là cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, đặc biệt là vitamin C, chất khoáng và vi khoáng. Ngoài ra, còn là các axit hữu cơ, xenluloza, các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính không lây.
Ở các nước đang phát triển, hơn 80% nguồn vitamin A sẵn có được cung cấp từ rau quả tươi dưới dạng caroten và gần 100% vitamin C cũng được cung cấp từ rau quả.
Cụ thể, rau quả là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự sống và phát triển của cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể và tăng cường sức khỏe chống lại bệnh tật.
Rau quả chứa ít chất béo, cholesterol và muối, nhưng lại cung cấp các carbohydrate phức hợp, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.
Đa số chúng ít năng lượng, chứa đường tự nhiên thay vì đường tinh luyện (như trong các loại đồ ngọt chế biến công nghiệp) nên ít làm tăng đột ngột đường máu sau ăn. Điều này đặc biệt tốt với những người mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa.
Rau quả còn cung cấp chất xơ giúp ích cho hệ tiêu hóa, ổn định hệ vi khuẩn đường ruột, chống táo bón, góp phần bình ổn đường máu, giảm cholesterol. Chế độ ăn nhiều rau quả sẽ giúp giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, béo phì, sỏi thận, một số loại ung thư, đái tháo đường loại 2 và các rối loạn về xương...
Chọn đúng loại cần cho sức khỏe
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết mỗi nhóm rau quả đều có giá trị dinh dưỡng nhất định. Nhóm màu xanh đậm giàu các hoạt chất sinh học có đặc tính chống ung thư.
Các loại rau lá xanh đậm giàu beta-caroten, folate, vitamin C, K… Vì vậy, tùy theo bệnh lý mà lựa chọn rau quả cho phù hợp.
- Giải độc, thải độc: Cơ thể chúng ta ít nhiều đều tích tụ những độc tố chưa được tiêu hóa và phân giải. Rau xanh có tác dụng phân giải độc tố tích tụ trong cơ thể, sau đó thải ra ngoài. Vì vậy rau xanh có tác dụng thải độc rất tốt, có lợi cho việc "làm sạch" huyết dịch và giải độc.
Nhuận tràng, lợi tiêu hóa: Hầu hết các loại rau xanh đều chứa nhiều chất xơ, có tác dụng kích thích sự co bóp của dạ dày, ruột và tăng cường tiết dịch tiêu hóa, tăng cường tiết mật, làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.
Nhiều loại rau xanh còn chứa cả thành phần đặc biệt là chất tinh dầu thơm và axit hữu cơ như hành, tỏi, gừng, có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng cường tiết dịch, nâng cao khả năng miễn dịch trong cơ thể.
Hằng ngày, vào sáng sớm uống một cốc rau quả xay sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng trao đổi chất. Do có nhiều chất xơ trong rau quả, hầu như các loại nước rau quả ép đều có tác dụng lợi đại tiểu tiện. Những người hay bị táo bón uống nước rau quả ép giúp điều chỉnh chức năng cơ thể rất có hiệu quả.
- Điều hòa cân bằng axit và kiềm trong cơ thể: Trong bữa ăn hằng ngày, thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá, thịt, trứng, nội tạng động vật... chứa khá nhiều lưu huỳnh và phốt pho, quá trình trao đổi chất cơ thể xuất hiện tình trạng nhiều axit, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trong khi đó, rau xanh chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, natri, canxi, magiê... nên cơ thể lại xuất hiện nhiều hoạt chất tính kiềm. Vì vậy, ăn nhiều rau xanh có thể giúp cân bằng giữa axit và kiềm trong cơ thể, có lợi nhiều cho sức khỏe.
- Phòng bệnh ung thư: Trong rau xanh có nhiều hoạt chất giúp phòng ngừa ung thư. Ví dụ trong củ cải và cà rốt có hoạt chất giúp cơ thể tăng ba lần khả năng diệt tế bào ung thư. Vì vậy, ăn các loại rau này có thể phòng ngừa bệnh ung thư rất hiệu quả.
Hầu như tất cả các loại rau xanh đều chứa vitamin C. Trong cơ thể người, nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến mắc bệnh ung thư, bởi vì vitamin C có thể giúp loại bỏ chất nitramine độc hại của thực phẩm hình thành trong đường ruột gây ung thư.
Nếu ăn nhiều bí đỏ, rau diếp, giá đỗ, đậu Hà Lan hoặc các loại rau dạng củ như củ cải có thể giúp phân giải loại chất độc hại gây ung thư.
Chất xơ trong rau xanh có thể giúp giảm bớt thời gian cặn bã tích tụ trong đường tiêu hóa, làm giảm khả năng gây ung thư.
- Chống lão hóa: Trong rau xanh có nhiều hợp chất chống oxy hóaá, có tác dụng chống lão hóa, khiến con người trẻ lâu, da dẻ mịn màng.
Có khi nào không nên ăn rau?
Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh tuy rau quả rất tốt cho sức khỏe, nhưng cũng cần lưu ý khi ăn để tránh gây hại.
- Khi bị tiêu chảy, cẩn thận việc ăn rau xanh: Do trong rau xanh có thành phần nitrat, bình thường thành phần này không độc, nhưng khi bị rối loạn tiêu hóa, chất toan trong dạ dày tiết ra ít, nitrat làm cho vi khuẩn trong đường ruột phát triển nhanh nên ăn rau xanh lại dễ bị ngộ độc.
- Không nên chỉ ăn riêng rau xanh khi bụng đang đói: Tuy ăn rau xanh có lợi cho sức khỏe nhưng mỗi loại rau có những đặc tính riêng, nên không thể ăn tùy thích, mà cần ăn kết hợp với các thực phẩm khác.
Sau đây là một số loại rau phải ăn sau khi đã ăn cơm, chứ không được ăn riêng lúc đang đói để tránh gây bất lợi cho sức khỏe:
- Cà chua: Là loại rau có chứa nhiều chất pectin (nhựa quả) và thành phần dễ hấp thụ, nếu ăn cà chua vào lúc đói, những chất trên sẽ có phản ứng hóa học với chất toan trong dạ dày, hình thành hợp chất rắn khó hòa tan, dễ gây đau bụng.
- Tỏi: Nhiều thành phần trong tỏi sẽ gây kích thích đến niêm mạc thành ruột và dạ dày, nhất là lúc đói.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020, mức tiêu thụ rau quả của người dân Việt Nam đã tăng bình quân đầu người từ 190,5g rau/người/ngày lên thành 231g/người/ngày và 140,7g quả chín/người/ngày sau 10 năm (năm 2020).
Tuy vậy, mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt 66,4 - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị.
Những luống rau xanh được học trò miền núi xứ Nghệ tự trồng, chăm sóc đem bán làm nguồn quỹ giúp bạn nghèo.