Ngày 30-1, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An đóng trên đường Phong Định Cảng, TP Vinh có hàng ngàn người dân khắp các huyện tới để làm thủ tục đăng ký tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024.
Trước khu vực phát phiếu thứ tự, đông nghịt người chờ tới lượt nhận số. Một số người ở các huyện xa trung tâm TP Vinh như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Kỳ Sơn… đến từ sáng sớm nhưng tới gần trưa cũng chưa đến lượt vào làm thủ tục.
Trước lượng người đến quá đông, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên, dán thủ tục công khai các bước và hướng dẫn quét mã QR Code trên điện thoại thông minh.
Cùng nhóm bạn tới đăng ký dự thi, anh Bùi Văn Nam (34 tuổi, ngụ phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết anh đã đợi tới đêm muộn ngày hôm qua song vẫn chưa nhận được phiếu thứ tự, nên anh phải đặt phòng ngủ lại và đến từ sáng sớm nhưng cũng đã ở số 700.
"Tôi ở quê làm nghề đi biển gần bờ, nhưng sau khi trừ chi phí thì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình nuôi ba đứa con nhỏ", anh Nam nói và cho biết anh đang học tiếng Hàn Quốc gần nhà để chờ thời gian tới thi tuyển, với mong muốn được sang Hàn Quốc lao động, có thu nhập tốt hơn.
Những lao động đến đăng ký dự thi tiếng Hàn đợt này chủ yếu độ tuổi từ 18 đến 39, trong đó có những người đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn theo hợp đồng.
Trở về nước sau ba năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Bá Khánh (35 tuổi, ngụ huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết chi phí đi lao động Hàn Quốc gồm cả tiền học tiếng Hàn, vé máy bay hết khoảng 200 triệu đồng. Nếu có công việc thuận lợi thì cho thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng.
Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An cho hay những ngày qua có khoảng 4.500 - 5.000 người tới trung tâm làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ chia theo các huyện, thị xã trong 5 ngày, nhưng do lượng người tới đông nên cán bộ đơn vị phải làm thêm cả ngoài giờ để giải quyết cho người dân.
Hàn Quốc sẽ tuyển chọn 15.300 người ở 4 ngành nghề. Trong đó có 11.200 chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo, gần 900 người ngành nông nghiệp, 200 chỉ tiêu xây dựng và hơn 3.000 vị trí ngành ngư nghiệp.
Trước đó, Trung tâm Lao động ngoài nước có công văn gỡ lệnh cấm tạm dừng tuyển chọn theo Chương trình EPS tại 8 địa phương thuộc một số tỉnh, thành, trong đó có ba địa phương của Nghệ An là huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và huyện Hưng Nguyên.
Đây là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên, hoặc tỉ lệ lao động hết hạn không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Hơn 2.300 lao động Nghệ An cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, tính đến nay số lao động Nghệ An xuất cảnh theo chương trình EPS là 9.396 người, đứng đầu cả nước. Bình quân hằng năm có từ 500 - 700 lao động của tỉnh được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc với mức tiền lương từ 1.000 - 1.500 USD/người.
Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.300 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
TTO - So với những năm trước, năm nay số thí sinh tham gia kỳ thi tiếng Hàn ít hơn. Những người đủ tiêu chuẩn sẽ được chọn sang Hàn Quốc làm việc.