Những ngày này, bà mẹ 38 tuổi phải đi xin ăn trên những con đường đầy bùn ở thành phố Rafah, miền nam Gaza.
Cô nói với đài CNN rằng cô cố gắng cho các con ăn ít nhất một lần một ngày, trong khi phải chăm sóc chồng mình, một bệnh nhân ung thư và tiểu đường.
Khi Gaza rơi vào vòng xoáy nạn đói toàn diện, dân thường và nhân viên y tế phải di dời, họ chịu đói để con cái họ ăn những gì ít ỏi có được. Còn trẻ em khóc lóc và tranh nhau từng miếng bánh mì thiu.
Cỏ cũng trở thành thực phẩm!
Mohammed Hamouda, một nhà trị liệu vật lý owr thành phố Rafah, nhớ lại ngày đồng nghiệp của ông, Odeh Al-Haw, bị giết khi cố lấy nước cho gia đình.
Hamouda cho biết Al-Haw đang xếp hàng tại một trạm cấp nước ở trại tị nạn Jabalya, phía bắc Gaza, thì anh và hàng chục người khác bị trúng bom của Israel.
Việc Israel phong tỏa và hạn chế vận chuyển hàng viện trợ đồng nghĩa với việc lượng hàng viện trợ đang ở mức cực kỳ thấp, đẩy giá cả lên cao và khiến người dân khắp Gaza không thể tiếp cận được thực phẩm.
“Nhiều người thân và bạn bè tôi đang ở phía bắc Dải Gaza đau khổ hơn rất nhiều. Họ ăn cỏ và uống nước bị ô nhiễm”, Hamouda, một ông bố 3 con, nói với đài CNN.
Hamouda, trước đây làm việc tại Bệnh viện Abu Youssef Al-Najjar và hiện nay là tình nguyện viên tại nơi tạm trú, cho biết: “Trẻ em đang bạo lực với nhau để có được thức ăn và nước uống. Tôi không thể ngăn được nước mắt khi nói về những điều này, vì thật đau lòng khi thấy con mình và những đứa trẻ khác đói”.
Hamouda cho biết con của ông bị tiêu chảy, có triệu chứng cảm lạnh và cúm.
Trẻ em - nạn nhân đau khổ nhất của cuộc chiến
Bà Gihan El Baz để một đứa trẻ mới biết đi ngồi trên đùi, trong khi an ủi con cháu của mình, những đứa trẻ mà bà cho biết mỗi ngày đều thức dậy “la hét” đòi ăn.
Bà El Baz sống cùng 10 người thân trong một căn lều cũ kỹ ở Rafah, nói với đài CNN là trong các nơi trú ẩn không có đủ thức ăn và nước sạch. Bà còn phải chăm sóc chồng mình sau khi ông bị chóng mặt và ngã gãy tay vì kiệt sức.
“Người Palestine buộc phải chặt cây để lấy củi sưởi ấm và nấu ăn. Khói ở khắp mọi nơi và ruồi lây lan rộng rãi, truyền bệnh”, theo Hazem Saeed Al-Naizi, giám đốc một trại trẻ mồ côi ở thành phố Gaza, người đã chạy trốn về phía nam cùng 40 trẻ dưới sự chăm sóc của ông - hầu hết là trẻ mồ côi và trẻ sơ sinh khuyết tật.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thông tin vào tháng 12-2023, tất cả 350.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza đều ở tình trạng đặc biệt dễ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Bà Rebecca Inglis - một bác sĩ chăm sóc đặc biệt ở Anh, người thường xuyên đến Gaza để giảng dạy cho sinh viên y khoa - cho biết “quy mô và tốc độ” của nạn đói tiềm ẩn ở Gaza sẽ khiến những đứa trẻ sống sót phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe suốt đời.
Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), cuộc tấn công quân sự của Israel đã san bằng ít nhất 22% đất nông nghiệp của Gaza, gia súc đang chết đói và sản phẩm tươi sống khó có được.
Bà Juliette Touma, giám đốc truyền thông Cơ quan cứu trợ và việc làm Liên Hiệp Quốc (UNRWA), cho biết nhu cầu của người dân phải di tản ở Gaza lớn hơn số lượng viện trợ được cho phép vào dải đất này.
Hơn 70.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp, 44.000 ca tiêu chảy đã được ghi nhận ở Dải Gaza. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17-11 đã lên tiếng bày tỏ mối lo dịch bệnh lây lan ở vùng lãnh thổ này.