Khi một cơn gió Mặt trời làm rung chuyển lá chắn từ tính của Trái đất, giống như gảy một sợi dây đàn guitar, "những lọn tóc cực quang" (cuộn cực quang) sẽ xuất hiện.
Hiện tượng cực kỳ hiếm gặp này là kết quả của những đợt sóng lớn dao động trong từ trường Trái đất, do các hạt năng lượng Mặt trời đâm sầm vào Trái đất của chúng ta kích hoạt.
"Chúng kéo dài trong vài phút trước khi biến mất hoàn toàn", Jeff Dai, nhà nhiếp ảnh thiên văn và là thành viên của dự án Thế giới vào ban đêm (TWAN), viết trên Instagram sau khi chụp được lọn tóc cực quang này.
Cực quang được tạo ra khi các hạt năng lượng cao từ Mặt trời đi qua từ trường hoặc từ quyển của Trái đất và kích thích các phân tử khí, kết quả là phát ra ánh sáng màu.
Thông thường, những ánh sáng nhảy múa này xoay tròn ngẫu nhiên trên bầu trời đêm, chúng không có hình dạng hay hoa văn nhất định.
Những lọn tóc cực quang này là một phiên bản hiếm có, phát ra từ những gợn sóng lớn trong từ quyển, được gọi là sóng tần số cực thấp (ULF).
Theo trang Spaceweather.com, những chấn động từ trường này thường được kích hoạt từ một luồng bức xạ Mặt trời, chúng va chạm với lá chắn bảo vệ hành tinh của chúng ta và có thể khiến bầu khí quyển của chúng ta "rung như chuông".
“Hãy tưởng tượng từ trường Trái đất giống như một sợi dây đàn guitar. Trong bức ảnh mới, chúng ta đang nhìn thấy những rung động trong sợi dây đó”, Xing-Yu Li, chuyên gia về sóng ULF tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, nói với Spaceweather.com.
Cả cực quang và sóng ULF đều phổ biến hơn trong thời kỳ hoạt động cao của Mặt trời.
Mặt trời hiện đang ở đỉnh điểm bùng nổ trong chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm của nó và được gọi là cực đại Mặt trời.
Trong thời gian này, các cơn bão Mặt trời trở nên thường xuyên và mạnh mẽ hơn, chúng tạo ra những cơn gió Mặt trời dữ dội hơn. Vì vậy, có khả năng chúng ta sẽ thấy nhiều cuộn tóc cực quang hơn trong vài năm tới.
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một loại cực quang mới khi tên lửa đẩy SpaceX rơi xuống, tạo ra các lỗ thủng tạm thời trong tầng điện ly.