vĐồng tin tức tài chính 365

Thành phố Thủ Đức - Cực tăng trưởng mới

2021-01-02 09:15

Thành phố sáng tạo phía Ðông

Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng trở thành động lực phát triển Vùng đô thị TPHCM về phía Đông với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. “Chúng tôi định hướng nơi đây sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”- Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói. Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, thành phố Thủ Đức phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Khu vực này có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Với vị trí cửa ngõ phía Đông của TPHCM, thành phố Thủ Đức có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam bộ là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu bằng các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đại lộ Phạm Văn Đồng, cao tốc Long Thành - Dầu Giây và sắp tới là tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động. Đồng thời, khu vực này còn có sự kết nối của các cảng biển, các tuyến hàng hải quốc tế như cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải và Cụm cảng biển số V (cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu), chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước.

Khi thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động, cũng là lúc “siêu” dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) được khởi công xây dựng giai đoạn 1 (quý I/2021), tạo ra động lực tăng trưởng lớn đối với khu vực miền Đông Nam bộ. Ước tính, đóng góp trực tiếp của sân bay Long Thành giai đoạn 1 là gần 1% vào GDP cả nước, đồng thời tạo ra 200 ngàn việc làm mới. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Tuấn Anh, con số này có thể lớn hơn nếu xét đến tác động lan tỏa của dự án với tổng thể kinh tế - xã hội.

Với quy mô trên 1 triệu dân, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam bộ, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn của TPHCM, tương đương 7% GDP cả nước.

Thành phố Thủ Đức ra đời vừa tạo động lực và là sức hút mới đối với các nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), sức hấp dẫn của thành phố Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng. “Việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai... sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TPHCM. Điều đó sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và khu vực”, ông Châu nói.

Cơ chế đặc thù

Ngày 31/12/2020, TPHCM tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM. Đây là đơn vị hành chính “cấp huyện”, nhưng đóng vai trò hạt nhân phát triển và có đến 34 đơn vị hành chính phường trực thuộc, nên sẽ phải cần những chính sách đặc thù. Trong khi các quận huyện sẽ có không quá 12 phòng ban chuyên môn thì thành phố Thủ Đức có 13 phòng ban chuyên môn và dự kiến có Phòng Khoa học - Công nghệ.

Thành phố Thủ Đức - Cực tăng trưởng mới - Ảnh 1.
Nghiên cứu sản xuất chip điện tử tại Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức) Ảnh: Đại Dương

TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Khoa chính trị-Hành chính Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế theo hướng đặc thù là chìa khoá quan trọng để TPHCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng có thể khơi thông nội lực, phát triển xứng tầm với vị thế và vai trò vốn có. Theo đó, thành phố Thủ Đức cần được tạo cơ chế linh hoạt trong việc thu hút, tạo dựng, duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân sự các ngành nghề chuyên sâu, mang tính hội nhập cao, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Thành phố Thủ Đức được thành lập mở ra giai đoạn hiện thực hoá của mô hình chính quyền đô thị theo hướng hiện đại tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tất yếu, chính quyền đô thị phải thiết lập được phương thức quản lý tài chính theo hướng tăng cường tính phân cấp, tự chủ nhiều hơn trong quản lý nguồn thu - chi ngân sách trên cơ sở vẫn đảm bảo trách nhiệm đối với TPHCM và cả nước nói chung.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng, quy định cụ thể các lĩnh vực liên quan. Theo đó, thành phố Thủ Đức sẽ được tự quyết tỷ lệ điều tiết ngân sách; được trao cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương và sử dụng phần kết dư để đầu tư cơ sở hạ tầng; có chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ…

Theo TS Trần Du Lịch, để chủ động trong quá trình xây dựng Thành phố Thủ Đức theo mục tiêu thành lập, cần tiến hành song song 3 nội dung:

Thứ nhất, quy hoạch lại tổng thể đô thị theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, để làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả Vùng đô thị TPHCM. Quy hoạch một đô thị mới với triết lý phát triển: Đô thị xanh, đô thị sáng tạo và đô thị khoa học-công nghệ- đào tạo. Do đó, quy hoạch phát triển thành phố Thủ đức cần có một tầm nhìn mới, đúng vị trí vai trò của đô thị mới này.

Thứ hai, tổ chức sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu.

Thứ ba, xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương và giảm bớt công việc của các sở ngành TPHCM, theo nguyên tắc việc gì chính quyền thành phố Thủ Đức có thể làm tốt, thì phân cấp, phân quyền cho Thủ Đức làm, các sở ngành của TPHCM chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay. Một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện. Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của chính quyền đô thị. Tất cả đều hướng tới mục tiêu thành phố Thủ Đức là hình mẫu của mô hình chính quyền đô thị hiện đại.

"Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tàu của TPHCM để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới".Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


TS Trần Du Lịch: Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, Vùng đô thị TPHCM có 17 đô thị từ loại 3 đến loại 1 gắn với đô thị đặc biệt TPHCM. Trong các đô thị của Vùng, thì các đô thị như: TP.Biên hòa, TX Dĩ An; TP Nhơn Trạch; đô thị cảng hàng không Long Thành; TX. Phú Mỹ… cùng với thành phố Thủ Đức sẽ hình thành một chuỗi đô thị khi giao thông kết nối được xây dựng hoàn chỉnh như các đường vành đai 2 và 3; các cầu vượt qua sông Đồng Nai. Nếu nhìn trên quan điểm kinh tế Vùng và Vùng đô thị, việc xây dựng TP Thủ Đức chính là bước đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển của các đô thị phía Đông của Vùng đô thị TPHCM.

Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, có diện tích hơn 211 km2, dân số khoảng hơn một triệu người, bằng 10% diện tích và chiếm khoảng 10% dân số toàn TPHCM.

Đại Dương

Tiền phong

Xem thêm: nhc.3970428020101202-iom-gnourt-gnat-cuc-cud-uht-ohp-hnaht/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thành phố Thủ Đức - Cực tăng trưởng mới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools