Nghệ sĩ Xuân Hinh bật khóc vì thương mẹ
Xuất hiện thử thách dành cho thập niên 80, nghệ sĩ Xuân Hinh khiến tất cả mọi người cùng ngỡ ngàng với trang phục và phần trình diễn Chầu văn của mình.
Được biết nghệ sĩ Xuân Hinh rất hiếm khi xuất hiện trên chương trình truyền hình. Bởi vậy sự góp mặt của anh trong chương trình cùng tiết mục Cô đội thượng ngàn chính là một món quà đầu năm mới mà nghệ sĩ Xuân Hinh cùng chương trình dành tặng cho khán giả.
Nghệ sĩ Xuân Hinh tại chương trình. Ảnh: CTCC
Cũng nhân dịp này, nghệ sĩ Xuân Hinh đã có những chia sẻ về ký ức vui buồn của bản thân. Nhắc tới người mẹ đã mất cách đây gần 20 năm, Xuân Hinh không khỏi nghẹn ngào.
Đây cũng là câu chuyện mà anh đã giấu kín mẹ cũng như gia đình vì sợ mọi người buồn.
Ký ức về người mẹ tảo tần vất vả của nghệ sĩ Xuân Hinh hiện lên rõ nét như mới ngày hôm qua.
Anh còn nhớ như in năm 1977, khi còn là chàng sinh viên năm nhất trường Sân khấu Điện ảnh nghèo khó, nhà có bảy anh chị em. Có lần mẹ từng lặn lội ra tận bến xe dúi vào tay con trai những tờ tiền mồ hôi nước mắt.
“Mẹ tôi phải lội xuống nước hớt 4 gánh bèo, gánh đi bộ 3 cây số mới có tiền cho tôi. Tôi cứ nhìn hình ảnh mẹ mà hai hàng nước mắt chảy” – nghệ sĩ Xuân Hinh bồi hồi.
Cuộc sống khốn khó đưa nghệ sĩ Xuân Hinh tới nghề buôn, anh kể rằng mình buôn tất cả mọi mặt hàng trên đời từ thượng vàng tới hạ cám kể cả những thứ hạ đẳng nhất xã hội.
Quãng đường đi buôn của chàng sinh viên thời ấy là 12 tiếng đồng hồ đạp xe 14 cây số vào trong rừng, mua vàng cốm của người dân tộc để mang đi bán.
Cho tới tận bây giờ, nghệ sĩ Xuân Hinh vẫn còn nhớ những đêm dài hun hút, đạp xe cầm đèn pin, một bên là vực thẳm.
Đêm giao thừa tất bật của các cô mậu dịch viên
Những ai đã từng sống và trải qua thời bao cấp chắc chắn không xa lạ gì với tem phiếu mua thịt lợn và các cô mậu dịch viên.
Trong chương trình, khán giả sẽ được gặp gỡ hai cô mậu dịch viên Hà Nội cùng những câu chuyện mang đậm dấu ấn thời gian.
Hai cô Mậu dịch viên.
Cách đây 42 năm, cả hai cô đều là mậu dịch viên giỏi cấp thành phố chợ Đồng Xuân – Hà Nội. Mậu dịch viên – nghề ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm, chưa bao giờ được đón giao thừa ở nhà vì luôn tất bật với hàng hóa tem phiếu đến ba giờ sáng.
Tuy vậy, trong sự khó khăn của xã hội thời đó, rất ít người có thể cảm thông cho nghề mậu dịch viên.
Trong mắt nhiều người dân, mậu dịch viên rất khó tính và khắt khe thì thực chất những người mậu dịch viên vô cùng thiệt thòi, đặc biệt là dịp Tết đến xuân về.
Đứng trên sân khấu chương trình, các cô mậu dịch viên hồi hộp và vẫn quen phép tắc: “Kính thưa hội nghị” khiến cho tất cả cùng bật cười.
Mặc dù gian khổ và vất vả như vậy nhưng các cô mậu dịch viên vẫn giữ cho mình sự lạc quan và vui tươi dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.