Không chỉ vậy, giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo sẽ có hàng loạt công trình giao thông lớn về đường bộ, đường thủy… mang tính kết nối nội vùng, liên vùng sẽ được đầu tư để tạo động lực cho sự phát triển vựa lúa miền Tây.
Có thể nói điểm đáng lưu tâm nhất của vùng ĐBSCL thời gian qua chính là kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng và giao thông nói chung ở ĐBSCL vẫn còn hạn chế, chất lượng đường bộ kém, không đồng bộ. Chính “điểm nghẽn” kết cấu hạ tầng giao thông của vùng làm gia tăng chi phí vận tải và logistics, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh hàng hóa trong vùng. Trong khi đó, hệ thống đường thủy là thế mạnh của vùng lại chưa khai thác hết tiềm năng, còn nhiều bất cập.
Thế nên dự án cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công sáng 4-1 là sự khởi đầu cho một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tập trung hơn nữa về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ĐBSCL sẽ có thể hoàn thiện các hành lang vận tải trên hai hướng trục dọc và trục ngang, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Kỳ vọng sắp tới của giao thông ĐBSCL không chỉ là hoàn thiện tuyến cao tốc nối dài TP.HCM đến Cần Thơ mà tiếp tục là đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tuyến hành lang ven biển từ TP.HCM đến tận Kiên Giang; các trục cao tốc ngang như Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ - Sóc Trăng...
Với hệ thống đường thủy nội địa - thế mạnh của vùng, Chính phủ đã có dự án để tập trung cải tạo các điểm thắt về hạ tầng kênh Chợ Gạo, giúp nâng cao năng lực vận chuyển container bằng đường thủy nội địa, chia lửa với đường bộ. Đồng thời, ngành giao thông đã nghiên cứu kỹ nhằm lựa chọn thời điểm đầu tư các kết cấu hạ tầng then chốt của vùng (cảng biển, đường sắt) đảm bảo hiệu quả, đồng bộ với các phương thức vận tải khác.
Ngay ngày đầu năm 2021, sự kiện khởi công công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ như phát lệnh của Thủ tướng mở đầu cho hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn khác trên địa bàn ĐBSCL. Điều này góp phần dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như tăng cường khả năng kết nối nội vùng, liên vùng giữa ĐBSCL, Đông Nam bộ, cả nước và quốc tế. Đó cũng là sự cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.