Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 8-2-2021 với rất nhiều bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm
Theo đó, người dân có quyền được lựa chọn thời gian, địa điểm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo nhu cầu. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân. Cụ thể, Nghị định số 148 đã bổ sung nội dung: việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất sẽ do văn phòng đăng ký đất đai và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện.
Việc cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do UBND cấp tỉnh quy định.
Với những địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả sẽ thực hiện thông qua bộ phận một cửa, trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ tại địa điểm ngoài trụ sở văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đại diện Cục Đăng ký đất đai (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng liên quan đến thủ tục cấp sổ đỏ, có rất nhiều quy định đã và sẽ tiếp tục được cải tiến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Chẳng hạn, dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai ở 4 địa phương và dự kiến mở rộng triển khai trên toàn quốc vào quý I/2021. Người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện tất cả các bước mà trước đây phải làm trực tiếp: nhận thông báo thuế tại bộ phận một cửa, nộp tiền tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước, đến bộ phận một cửa để nộp lại chứng từ. Sau các bước thực hiện qua mạng như trên, cán bộ một cửa và cán bộ đất đai tiếp tục thẩm định, cấp sổ đỏ cho người dân. Như vậy, việc thực hiện các thủ tục bằng hình thức trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công với 4 lần đi lại.
"Theo tính toán được Văn phòng Chính phủ công bố, dịch vụ thanh toán trực tuyến như trên sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất 682 tỉ đồng/năm. Việc này vừa giúp thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân vừa giúp giảm áp lực của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ, từ đó có tác động tốt đến xã hội" - đại diện Cục Đăng ký đất đai thông tin.
Bên cạnh điểm mới trên, một nội dung đáng quan tâm khác trong Nghị định số 148 là người dân được lựa chọn thời gian, địa điểm làm sổ đỏ theo nhu cầu. "Thay vì phải đến văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, người dân được quyền thỏa thuận với phía văn phòng đăng ký về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ cũng như trả kết quả giải quyết thủ tục, miễn là không quá thời gian do UBND cấp tỉnh quy định" - vị đại diện giải thích.
Theo đại diện Cục Đăng ký đất đai, Nghị định số 148 được coi là khung pháp lý để địa phương ban hành quy định cụ thể trong thủ tục liên quan đến sổ đỏ của người dân. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân.
Người dân làm giấy tờ nhà đất tại UBND quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Cởi trói thủ tục pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cũng đánh giá Nghị định số 148 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013. Như khoản 17 điều 1 Nghị định số 148 quy định dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền được thực hiện tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị (khoản 2 điều 41).
Theo ông Châu, quy định này phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sức mua của thị trường, vì đã cho phép thực hiện dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền tại các huyện thuộc các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc trung ương và tại các đô thị loại II, III, IV, V, trừ khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền những tuyến đường cấp khu vực trở lên và tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị. Từ đó đã giải quyết nhu cầu rất lớn của cá nhân, hộ gia đình là được mua nền để tự xây dựng nhà trong dự án nhà ở tại các khu vực đô thị; đồng thời khắc phục tình trạng dự án phân lô, bán nền tràn lan trong khi chủ đầu tư không xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối với hạ tầng chung của khu vực, không có các công trình dịch vụ...
"Nghị định số 148 không chỉ giúp hàng ngàn dự án thoát khỏi bế tắc pháp lý mà còn ngăn ngừa được thất thoát tài sản nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý giúp cơ quản quản lý chuyên ngành đất đai, quy hoạch có cơ sở thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm của hàng ngàn dự án, giúp cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản" - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu cho hay.
Nhà xây dựng tạm vẫn sẽ được cấp quyền sở hữu
Theo quy định tại khoản 14 điều 1 Nghị định 148, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong các loại giấy tờ sau: Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định 61/CP; giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật...
Căn cứ theo quy định trên, từ ngày 8-2, hộ gia đình, cá nhân trong nước sở hữu giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (thường được gọi là nhà tạm) cũng sẽ được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Điều mà trước đây ở Nghị định 43 và quy định pháp luật không cho phép.
Xem thêm: mth.23230102240101202-od-os-mal-ahn-o-iogn/et-hnik/nv.moc.dln