Clip cán bộ đội kiểm tra trật tự đô thị UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, Lào Cai) cầm mirco kêu gọi du khách không nên mua hàng của trẻ nhỏ đang được chia sẻ trên mạng xã hội
Sáng 5-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch thị xã Sa Pa, ông Vương Trinh Quốc, cho biết: "Việc các cháu nhỏ đi bán hàng tồn tại từ lâu do bố mẹ chứ bản thân các cháu có biết gì đâu. Mấy năm nay chúng tôi cũng đã tuyên truyền rất nhiều. Lần này thì chính quyền địa phương quyết tâm làm mạnh hơn nữa.
Đề nghị các bậc phụ huynh, du khách phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện. Chúng tôi kêu gọi không mua hàng của các cháu là để bảo vệ quyền trẻ em".
Ông Quốc cho biết thêm: "Dịp tết dương dịch vừa qua thời tiết Sa Pa xuống thấp nhưng các cháu vẫn được bố mẹ đưa đi bán hàng nhìn rất đáng thương, khiến hình ảnh du lịch Sa Pa xấu đi trong mắt du khách.
Riêng đợt nghỉ lễ tết dương lịch có khoảng 65.000 du khách đến Sa Pa, mỗi năm thị xã Sa Pa ước đón hơn 3 triệu du khách trong và ngoài nước. Phòng văn hóa thông tin thị xã được giao soạn nội dung kêu gọi và chuyển đến các tổ tuần tra phát thanh trên xe lưu động để tuyên truyền".
Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội), chia sẻ sử dụng trẻ em vào mục đích xin ăn, kiếm tiền trên đường phố là hình thức sử dụng lao động trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm bởi vì đây là làm kinh tế tạo ra thu nhập cho người lớn.
Bất kỳ ai phát hiện có thể báo ngay cho đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài 111 sẽ kết nối với chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý.
"Phải làm việc, kiếm tiền trong môi trường đường phố, nóng bụi, giá rét, môi trường độc hại, rủi ro nên cần phải ngăn chặn để bảo vệ trẻ.
Những năm qua chúng ta đã ngăn chặn rất nhiều những hành vi sử dụng trẻ em để xin ăn, kiếm sống trên đường phố… Hiện tượng này đã giảm nhiều so với trước tuy nhiên vẫn còn. Để quyền trẻ em được bảo vệ thì cần sự vào cuộc của tất cả các địa phương, cơ quan chức năng và từng gia đình…" - ông Nam nói.
Xem thêm: mth.50980340150101202-me-ert-neyuq-ev-oab-ed-gnor-gnah-aum-gnohk-iog-uek-apas/nv.ertiout