Đã đến lúc thực hiện bổ nhiệm sửa đổi
Tôi nghĩ đã đến lúc cần xem xét bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để tạo tâm lý yên tâm cho thẩm phán khi thực hiện công vụ. Hiện ngành tòa án đã có Quyết định 120/2017 của chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp. Vì vậy, nếu thẩm phán sai phạm thì đã có cách để xử lý, đâu cần phải chờ hết nhiệm kỳ năm năm, 10 năm và số lượng án hủy, sửa nhiều mới xem xét. Đã làm sai thì đã có chế tài xử lý ngay.
Ngoài ra, mỗi lần tái bổ nhiệm thẩm phán tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và số lượng án giải quyết công việc của họ và của đơn vị. Có người mất cả năm trời ngồi không để chờ quyết định tái bổ nhiệm mới có thể làm việc. Đây là sự lãng phí quá lớn.
Về tăng tuổi hưu cho thẩm phán, theo tôi không cần thiết. Đối với người chỉ chuyên về làm công việc xét xử thì tới tuổi 60 đối với họ đã là quá, đã đến lúc dừng. Họ có sức ỳ và sẽ không còn thiết tha ngày ngày nghiên cứu và xét xử án nữa. Việc tăng tuổi hưu nên chăng chỉ áp dụng cho những chức danh quản lý từ tòa án cấp tỉnh trở lên.
Một thẩm phán công tác tại TAND TP.HCM
HOÀNG YẾN ghi
Nhiệm kỳ của thẩm phán tối cao ở các nước
+ Mỹ: Ở Mỹ, số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao là chín người. Các thẩm phán này được bổ nhiệm trọn đời và khi một trong những thẩm phán này từ chức hoặc qua đời thì việc chọn người thay thế sẽ bắt đầu. Trước khi hồ sơ của một ứng viên được gửi đến Ủy ban Tư pháp Thượng viện để xem xét, người này phải nhận được đề cử từ đích thân tổng thống. Mới đây, bà Amy Coney Barrett là thẩm phán Tòa án Tối cao mới nhất của Mỹ.
+ Canada: Giống Mỹ, Tòa án Tối cao Canada bao gồm chín thẩm phán, trong đó có một chánh án. Tất cả thẩm phán đều do toàn quyền Canada bổ nhiệm và những người này phải từng là thẩm phán của tòa án cấp cao hoặc phải có ít nhất 10 năm làm việc tại cơ quan thanh tra của một tỉnh hoặc vùng lãnh thổ. Các thẩm phán có thể giữ chức vụ của mình đến khi nghỉ hưu hoặc 75 tuổi. Tuy nhiên, các thẩm phán có thể bị miễn nhiệm nếu không đủ năng lực làm việc hoặc có hành vi sai trái.
+ Úc: Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp có thẩm quyền cao nhất tại Úc. Cơ quan này gồm bảy thẩm phán và trong đó một người là chánh án. Tất cả thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70. Tuy nhiên, các thẩm phán hoàn toàn có thể xin nghỉ hưu sớm hơn.
+ Nga: Tòa án Tối cao Liên bang Nga có 170 thẩm phán. Thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang Nga do Hội đồng liên bang (Thượng viện) bổ nhiệm theo đề nghị của tổng thống Liên bang Nga, mà đề nghị này dựa trên đề xuất của chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Nga. Các thẩm phán được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70. Thẩm phán có thâm niên không dưới 10 năm và đang nghỉ hưu được coi là thẩm phán danh dự.
KHÁNH NHƯ
Xem thêm: lmth.198959-iod-tous-nahp-maht-meihn-ob-oh-gnu-neik-y-ueihn/taul-pahp/nv.olp