Với Nguyễn Ngọc – một người bán hàng ở TP Hồ Chí Minh, cách điển hình để tiếp cận được các khách hàng trực tuyến là thông qua Facebook. Tuy nhiên, những khách hàng này thường yêu cầu chị chuyển sang nền tảng Shopee để thanh toán.
Ngọc hiểu vì sao họ phải làm vậy: Shopee có các mã miễn phí vận chuyển!
"Ngay từ đầu, Shopee đã hướng đến mức phí thấp. Mọi người gắn bó với nền tảng này bởi vì những mã vận chuyển miễn phí".
Sự thăng hoa vượt trội của Shopee
Vận chuyển miễn phí và hoa hồng thấp là một phần trong nỗ lực "marketing khô máu" ở Việt Nam của Shopee giúp họ trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở đây và càng phát triển hơn nữa sau đại dịch Covid-19. Shopee thuộc sở hữu của tập đoàn Singapore Sea, thu hút 62 triệu lượt người truy cập hàng tháng ở Việt Nam trong quý 3 của năm 2020, tăng hơn 80% so với 1 năm trước.
Sự mở rộng vượt trội của Shopee ở Việt Nam là một phần trong giai đoạn phát triển mới ở nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 100 tỷ USD ở Đông Nam Á. Trong kỷ nguyên hậu Covid-19, thương mại điện tử sẽ là nền tảng của loạt các liên minh mới và các đối thủ cạnh tranh đều đang thúc đẩy xây dựng toàn bộ hệ sinh thái để phục vụ nhiều thứ khách hàng thích nhất có thể.
Tốc độ tăng trưởng của những startup công nghệ nổi tiếng trong khu vực như Grab và Gojek đã được thúc đẩy bởi những dịch vụ như gọi xe. Hiện tại, sự nổi lên của Sea – công ty giá trị nhất Đông Nam Á, trị giá trên 100 tỷ USD đang thúc đẩy tạo ra những liên kết và vụ thâu tóm mới với kỳ vọng mang lại viễn cảnh tươi sáng hơn trong năm 2021 và xa hơn nữa khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau đại dịch.
Được hỗ trợ bởi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh game, Sea đầu tư mạnh vào thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Trong quý từ tháng 6 – 9 năm 2020, doanh thu của họ với mảng thương mại điện tử đã tăng 2,7 lần so với năm ngoái lên 618 triệu USD trong khi đó thua lỗ nới rộng từ 277 triệu USD lên 338 triệu USD, chủ yếu là bởi hỗ trợ những chiến dịch marketing tốn kém nhằm giành thị phần
Dẫu vậy, nỗ lực của họ dường như đã được đền đáp. Theo dữ liệu từ iPrice Group, Shopee là website được ghé thăm nhiều nhất ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong quý 3 của năm 2020. Chỉ 1 năm trước, Lazada (công ty thuộc Alibaba) vẫn đứng vị trí số 1 ở Philippines, Singapore và Thái Lan trong khi đó, thị trường Indonesia dẫn đầu là Tokopedia.
Sự nổi lên của Sea khiến các đối thủ khác buộc phải tìm cách đối phó. Lazada đã bắt tay Grab tại Việt Nam trong khi đó Grab và Gojek cũng thực hiện những khoản đầu tư mới vào mảng tài chính kỹ thuật số.
Cho tới năm 2015, theo Edwin Muljono – một chuyên gia tới từ công ty tư vấn có trụ sở ở Indoensia, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á "đang trong giai đoạn tăng trưởng của vòng đời ngành công nghiệp với nhiều người chơi mới và nhu cầu gia tăng nhanh chóng cùng sự cạnh tranh tương đối thấp".
Hiện tại, ông nói rằng thị trường đang trong "giai đoạn chấn chỉnh" – gợi nhắc về thương vụ thâu tóm giữa Grab và mảng Đông Nam Á của Uber vào năm 2018. "Mặc dù tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng 2 chữ số nhưng thị trường đã bắt đầu bão hòa và những sự hợp nhất đang ở ngay phía trước".
Nhấn mạnh về viễn cảnh hợp nhất và chuyển đổi sự ưu tiên, tờ Nikkei đầu tháng này nói rằng Gojek đang tiến gần tới thỏa thuận sáp nhập với Tokopedia – một liên minh sẽ tạo ra tập đoàn công nghệ lớn nhất ở Indonesia – nền kinh tế lớn nhất khu vực. Gojek trước đó được cho là cũng đang thảo luận khả năng sáp nhập với Grab nhưng có vẻ việc đàm phán đã rơi vào bế tắc.
Đông Nam Á hiện là tâm điểm "săn kỳ lân". Grab và Gojek đã trở nên lớn nhất, được định giá lần lượt 14 và 10 tỷ USD nhưng Đông Nam Á còn là nhà của 12 startup được định giá 1 tỷ USD trở lên.
Thực tế này đang dần được thay đổi sau đại dịch. Ứng dụng gọi xe chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi các lệnh cấm du lịch và làm việc từ xa khi Grab và Gojek phải giảm 5% và 9% lượng nhân viên vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu với thương mại điện tử và giao đồ ăn lại tăng vọt và điều này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong kỷ nguyên hậu đại dịch.
"Tầm nhìn dài hạn với nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á vẫn mạnh hơn bao giờ hết. Những yếu tố như niềm tin tưởng hơn vào công nghệ và thị trường buộc tạo ra những chuỗi cung ứng trực tuyến lớn hơn đáng kể sẽ cho phép sự thúc đẩy lâu dài với nền kinh tế kỹ thuật số".
Cuộc chiến "khô máu"
Việt Nam là ví dụ điển hình cho một chiến trường mới về kinh tế số. Các ngành kinh tế số ở Vệt Nam, bao gồm thương mại điện tử, giao hàng thực phẩm và gọi xe, đã tăng giá trị lên 14 tỷ USD vào năm 2020, tăng 16% so với cùng kỳ và sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google.
Shopee hiện vượt trội hơn các đối thủ ở trong nước. Tiếp đến là Thế giới di động với 29 triệu người dùng truy cập hàng tháng trong cùng giai đoạn, Tiki xếp thứ 3 với 22 triệu người và Lazada có 20 triệu người.
Ông Tuấn Anh – Giám đốc Shopee Việt Nam trả lời phỏng vấn tờ Nikkei rằng: "Chúng tôi thu hút người dùng vào hệ sinh thái của mình bằng việc tích hợp việc thanh toán điện tử".
Với đối thủ của Shopee, Lazada vào tháng 11 đã bắt tay với Grab tại Việt Nam."Chúng tôi thực sự hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể đưa tất cả các dịch vụ Grab đến với các đối tác thương mại điện tử của mình", Chủ tịch Grab, Ming Maa cho biết tại một sự kiện khởi nghiệp vào cuối tháng 11. "Không chỉ là giao hàng tận nơi, mà chúng tôi còn hy vọng hợp tác về các giải pháp thanh toán, các dịch vụ khác để cung cấp trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng của mình".
Lazada tiếp cận được khách hàng và mạng lưới lái xe của Grab, hướng người mua sang dịch vụ giao đồ ăn của Grab và sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng của Grab để ship sản phẩm. Grab cũng hướng người dùng ứng dụng tới Lazada. Cả Alibaba và Grab đều được "chống lưng" bởi Softbank.
Trong khi đó, Tiki lại mang đến lựa chọn giao hàng trong 2 giờ nhờ. Họ cũng cho ra đời thẻ tín dụng riêng liên kết với một ngân hàng trong nước, cho thấy tham vọng tiến xa hơn ngoài thương mại điện tử.
Những mối hợp tác mới nổi lên ở Việt Nam bởi Lazada và Brab có thể được nhận rộng ở những thị trường Đông Nam Á khác. "Tôi thấy có nhiều điều mà chúng ta có thể làm cùng nhau", Maa của Grab nói.
Tháng 11, Lazada cũng đã hợp tác cùng Google để bắt đầu khóa học đào tạo kỹ thuật số cho người bán trực tuyến vì vậy họ có thể cải thiện doanh số - giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của Lazada. Họ cho ra đời một chương trình nhắm tới việc cung cấp cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới cho những người bán Đông Nam Á bằng cách tận dụng nền tảng toàn cầu của Alibaba.
Grab và Gojek cũng tìm cách tăng trưởng trong mảng dịch vụ tài chính. Năm 2020, Grab mua startup quản lý tài sản Bento và đầu tư vào công ty thanh toán LinkAja.
Giống Sea, Grab đã có được giấy phép ngân hàng trực tuyến ở Singapore thông qua việc hợp tác với Singapore Telecommunication. Như với Gojek, họ đã mua 22% cổ phần của nhà băng Bank Jago.
Những công ty đa quốc gia khác cũng đã tham gia vào thị trường. Amazon đang tăng cường sự hiện diện ở Singapore. Trong lĩnh vực giao đồ ăn, Delivery Hero của Đức đang mở rộng quyết liệt tại Đông Nam Á thông qua thương hiệu Foodpanda. Ứng dụng tin nhắn Line của Nhật cũng rất phổ biến ở Thái Lan.
Trong tương lai, nền kinh tế toàn cầu cũng bắt đầu hồi phục, nhờ những tín hiệu khả quan của vắc xin Covid-19. Một vài startup chưa niêm yết cũng bắt đầu nhận được nhiều vốn hơn. Cụ thể như Gojek nhận 150 triệu USD từ Telkomsel vào tháng 11.
Những công ty niêm yết như Sea thì tận dụng được đà tăng của thị trường cổ phiếu. Tháng 12, Sea đã huy động được gần 3 tỷ USD thông qua đợt phát hành cổ phiếu mới nhắm tới "các khoản đầu tư chiến lược và các thương vụ thâu tóm". Trong khi hầu hết các startup gồm cả Sea đều đang thua lỗ, nguồn vốn mới cho phép họ có thể mở rộng ra xa hơn nữa.
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị