Xe “mù” lưu thông trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM chiều 8-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều chuyên gia cho rằng thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành là vấn đề cấp thiết nhưng thực hiện thì không phải chuyện dễ.
Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) vừa đề nghị UBND TP Hà Nội và TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Đây không phải là lần đầu tiên chuyện thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành (người dân quen gọi là xe "nghĩa địa") được nêu ra như giải pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm từ phương tiện giao thông, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được.
Hà Nội, TP.HCM từng dự định thu hồi
Tháng 6-2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông để UBND TP trình HĐND TP, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tính toán phối hợp Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn về khí thải xe máy.
Theo đó, từ ngày 1-1-2018 Hà Nội sẽ thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn lưu thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện của các sở ngành, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội và người dân rằng cần phải xem xét, tính toán kỹ hơn nên nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo đề án.
Đầu tháng 9-2020, Sở TN-MT Hà Nội kiến nghị UBND TP cho phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP".
Theo ông Lê Tuấn Định - phó giám đốc Sở TN-MT, Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000.
Nếu được triển khai, chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm khí thải cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để đo khí thải xe máy trên địa bàn 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Thanh Xuân.
Hà Nội cũng dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn để thí điểm chương trình đổi xe cũ (sản xuất trước năm 2002) với mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng nếu người dân đổi xe. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo TP Hà Nội, chương trình này cần nghiên cứu thêm nên chưa quyết định thời điểm triển khai cụ thể.
Tại TP.HCM, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở GTVT - cho biết trong năm 2019, sở đã tiến hành thí điểm kiểm định khí thải xe máy trên địa bàn TP, đặc biệt chú trọng đến những xe đã qua sử dụng từ 5 năm đến 10 năm.
Căn cứ vào kết quả thí điểm, Sở GTVT TP cùng VAMM sẽ có những đề xuất chính sách hỗ trợ thu hồi xe máy cũ, hỗ trợ cải tạo xe máy chưa quá niên hạn. Tuy nhiên, đề án này đang tạm dừng để chờ hướng dẫn từ Bộ GTVT.
Thu hồi hay chỉ cấm lưu hành?
Theo ông Nguyễn Văn Phương - phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN), kinh nghiệm của các nước là không cần kiểm định kỹ thuật tổng thể xe máy mà chỉ cần kiểm soát khí thải, nếu đạt tiêu chuẩn khí thải thì được tham gia giao thông, không đạt thì cấm lưu hành, giống như đối với ôtô hiện nay.
Ông Phương cho biết năm 2010 Thủ tướng đã có quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước. Tuy nhiên, đề án chưa được thực hiện, theo ông Phương, là do tác động xã hội lớn, xe máy vừa là phương tiện đi lại vừa là phương tiện mưu sinh của hàng chục triệu dân.
"Với ôtô hết hạn sử dụng, luật pháp cũng chỉ quy định cơ quan công an thu hồi giấy đăng ký, biển số, cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường. Chủ xe có quyền giữ xe để trưng bày làm lưu niệm hoặc bán sắt vụn chứ cơ quan chức năng không thu hồi xe vì đây là tài sản của người dân, tổ chức.
Với xe máy, theo góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, tôi nghĩ phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được. Nếu thu hồi xe máy cũ sẽ rất khó thực hiện" - ông Phương nói.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - cho rằng có hai vấn đề chính khiến chuyện thu hồi xe cũ nát trở nên khó khăn. Thứ nhất, xe cộ là tài sản công dân, muốn thu hồi là không đúng Hiến pháp.
Thứ hai, xe máy cũ là công cụ mưu sinh của hàng triệu người nghèo. Do đó, muốn thu hồi phải có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý những vấn đề trên.
Xe vi phạm Luật giao thông bị tạm giữ, trong đó nhiều xe “mù” quá đát, không giấy tờ, không biển số nằm phơi nắng tại bãi xe tang vật trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: MINH ANH
Phải xây dựng hành lang pháp lý
Theo TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, hiện chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thu hồi tài sản người dân, Nhà nước phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có thể dựa trên quy định xe không đủ điều kiện an toàn thì không được phép lưu thông.
Nhà nước cũng phải có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo.
Cũng theo ông Thắng, trước khi thu hồi, các đơn vị phải có phương hướng xử lý xe thu hồi cụ thể.
"Thực tế, ở TP.HCM hiện ở các bãi giữ xe của công an, các bến xe, lượng xe vô chủ cũ nát bị bỏ lại vẫn chưa thể xử lý được. Nếu thu hồi thêm một lượng xe nát lớn đang lưu hành thì sẽ chứa ở đâu, xử lý thế nào?" - ông Thắng đặt vấn đề và đề nghị có thể giao cho các doanh nghiệp xe máy tự thu hồi, xử lý xe của hãng mình.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi được trình Quốc hội năm 2020 có nội dung xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra khí thải định kỳ theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, dự thảo luật này chưa được Quốc hội thông qua. Ông Phương cho rằng nếu việc kiểm soát khí thải đưa vào luật sẽ có hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất thực hiện hơn.
TS Hoàng Dương Tùng (chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN):
Kiểm tra khí thải ngay để dừng lưu hành xe cũ nát
Thực tế hiện nay chưa có quy định niên hạn sử dụng với xe máy, còn khái niệm xe máy cũ nát cũng chỉ là cách gọi, trong khi nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm không khí chính là nguồn khí thải.
Để kiểm định được khí thải xe máy, cần phải có quy chuẩn về khí thải xe máy, việc này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT nhưng mấy năm qua chưa ban hành được quy chuẩn này, vì vậy trong năm 2021 phải xây dựng quy chuẩn để thực hiện kiểm tra khí thải.
Với những xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải có thể dừng lưu hành, khi dừng lưu hành có nghĩa là chiếc xe đó không được phép hoạt động, nhưng nó vẫn là tài sản của người dân, người dân có trách nhiệm bảo dưỡng, thay thế phụ tùng để đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải.
Còn nếu xe quá cũ nát, không thể sửa chữa, không thể bảo dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải, không đủ tiêu chuẩn lưu hành, người dân sẽ tự thải bỏ.
Việc thu hồi xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, thực hiện có lộ trình nhưng trước tình hình không khí ô nhiễm như hiện nay, việc kiểm tra khí thải xe máy là biện pháp khả thi nhất, không thể chần chừ.
XUÂN LONG ghi
Ông Nguyễn Văn Phương (phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới):
Nếu CSGT phạt nghiêm sẽ hạn chế được xe "nghĩa địa"
Theo điều 53 Luật giao thông đường bộ, xe máy được phép lưu thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như: có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; có đủ gương chiếu hậu đảm bảo tầm nhìn; có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định...
Nếu cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm những người chạy xe vi phạm các điều kiện trên thì sẽ ngăn ngừa được xe không đảm bảo điều kiện chạy ra đường.
TTO - Chính quyền TP Hà Nội đã giao các Sở Tài nguyên - môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và các quận có liên quan thống nhất ý kiến về thí điểm đo kiểm khí thải xe máy và hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới để báo cáo UBND TP trước ngày 15-9.
Xem thêm: mth.83842412280101202-ohk-iom-mal-ed-ehgn-ion-aid-aihgn-ex-ioh-uht/nv.ertiout