Trong lúc toàn xã hội đang nỗ lực khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động sau một năm vất vả chống dịch covid-19 thì vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ cả hệ thống chính trị và toàn dân nỗ lực tham gia.
Từ khi dịch xảy ra đến nay, đã có nhiều trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch của cơ quan chức năng, nhất là hành vi trốn tránh cách ly, nhưng các cơ quan tố tụng chỉ mới xử lý các trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép, chống đối người thi hành công vụ mà chưa xử lý hình sự những trường hợp làm lây lan bệnh trong cộng đồng.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000 - 10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi trốn tránh cách ly y tế, cơ quan chức năng cần thiết phải khởi tố vụ án đối với cá nhân thực hiện hành vi này.
Cụ thể, trường hợp người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đặc biệt, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người; bị phạt tù 10 năm đến 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Như vậy, việc trốn tránh cách ly y tế là việc làm hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng xã hội. Thiết nghĩ, với trách nhiệm của một công dân, người thuộc diện phải cách ly để theo dõi dịch bệnh cần nghiêm túc chấp hành việc cách ly để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân (được điều trị kịp thời ngay khi phát hiện bị nhiễm dịch bệnh), vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng, đồng thời vừa tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt pháp lý.
Đối với những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về cách ly y tế, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất để làm gương, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng.
Mới đây nhất, công an TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại TP.HCM.
Tham dự buổi họp báo có phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang và Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Từ Lương.
Trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Sỹ Quang cho biết liên quan trường hợp lây lan covid-19 từ bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên hàng không, Công an TP.HCM đã bước đầu điều tra và xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, 1 nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342) vi phạm quy định về cách ly dẫn đến bị nhiễm covid-19 và lây cho bệnh nhân 1347, sau đó bệnh nhân 1347 lây cho 2 trường hợp khác trong cộng đồng ở TP.HCM. Hàng ngàn người phải đưa đi cách ly, xét nghiệm; nhiều khu dân cư, trường học bị khoanh vùng cách ly, dập dịch trong nỗi lo nơm nớp của người dân. Đáng nói hơn, từ việc lây nhiễm của bệnh nhân 1342 và những người liên quan đã làm hơn 170.000 sinh viên, học sinh trên địa bàn TP.HCM phải nghỉ học. Hậu quả mà bệnh nhân này gây ra là rất nghiêm trọng.
Công an TP.HCM đã chỉ đạo cơ quan An ninh điều tra của Công an TP.HCM khởi tố vụ án ‘Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’ theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015.
Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM sẽ có kế hoạch điều tra toàn diện, khách quan để xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và cá thể hóa trách nhiệm hình sự.
Còn về việc khi nào có quyết định khởi tố bị can và những bị can nào liên quan, ông Quang cho biết cơ quan An ninh điều tra còn phải làm nhiều bước mới có quyết định khởi tố bị can.
Theo ông Quang, hiện có một số người liên quan vụ án đang bị bệnh, cách ly. Do đó cơ quan điều tra vừa tuân thủ quy định điều tra, vừa phải tuân thủ quy định về cách ly, phòng chống dịch bệnh cho nên phải có thời gian điều tra.
Như vậy, nếu không mạnh tay xử lý những người cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch covid-19 thì công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam càng khó khăn hơn, thậm chí nguy cơ đổ vỡ hệ thống y tế là khó tránh khỏi.