Tờ South China Morning Post ngày 9-1 đưa tin Mỹ công bố một chiến lược tích hợp các lực lượng hàng hải của mình để chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.
Trong chiến lược tác chiến hàng hải mới của Mỹ trong thập niên tới, Hải quân, Thuỷ quân lục chiến và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã cùng cam kết xây dựng một "sức mạnh hải quân tổng hợp" và kêu gọi tăng cường liên minh hàng hải. Cả ba lực lượng đều gọi Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất".
Một tàu sân bay của Mỹ hiện diện ở Biển Đông tháng 3-2020. Ảnh: NEW YORK POST
Chiến lược với tên gọi "Lợi thế trên biển" đã xác định mục tiêu của Hải quân Mỹ là "bảo tồn tự do trên biển, ngăn chặn sự xâm lược và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh". Nó nêu rõ: "Hành vi và tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc đưa nước này vào một quỹ đạo rất có thể sẽ thách thức Mỹ trong tương lai".
Chiến lược hàng hải phối hợp mới nhất là chiến lược đầu tiên kể từ năm 2015, và được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc và Mỹ đang tăng cường các chiến thuật "vùng xám" (chiến thuật vùng xám là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh và không tạo xung đột để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức).
Có rất ít thông tin được đưa ra về vai trò chính xác của lực lượng tuần duyên ở Biển Đông. Tuy nhiên, lực lượng tuần duyên Mỹ có lịch sử lâu dài tham gia vào các hoạt động can dự an ninh của Mỹ trong khu vực.
Không giống như Hải quân và hải đoàn trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng tuần duyên của Mỹ hoạt động dưới quyền của Bộ An ninh nội địa trong thời bình. Điều này khiến công việc của họ ít nhạy cảm hơn [so với các hành động quân sự công khai] trong việc phối hợp với các nước Đông Nam Á - vốn không muốn can dự vào cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết: "Chiến lược hàng hải mới này về cơ bản đã hình thành từ lâu và đóng vai trò như một khuôn khổ hướng dẫn các lực lượng này phối hợp và tập hợp sức mạnh chung để chống lại các hoạt động hàng hải của Trung Quốc".
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Rand Corporation (Mỹ) cho biết mục đích của việc phối hợp là sử dụng "các nền tảng cơ động hơn và ít hoặc không gây chết người để chống lại sự hiện diện trên thực tế của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp".
"Mỹ có thể ngăn chặn hiệu quả các hoạt động của Trung Quốc theo cách này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có thể khiến xung đột leo thang bằng cách đưa các lực lượng trong quân đội của họ đến Biển Đông để đối phó với sự can dự tiềm tàng của Hải quân Mỹ" - ông Grossman nói.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền gần 90% Biển Đông giàu tài nguyên, dựa trên cái mà họ gọi là đường chín đoạn, vốn đã bị các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia phản đối gay gắt. Năm 2016, Tòa án trọng tài về luật biển ra phán quyết bác yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường chín đoạn". Theo phán quyết, Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường chín đoạn".