Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã có những chia sẻ tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ở TPHCM ngày 11/1.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%, nhưng IMF, World Bank còn lạc quan hơn về mức tăng trưởng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: BTC
Cụ thể, World Bank dự báo mức tăng trưởng 6,7%; các ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8 – 7%.
Kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua.
Năm 2020, mặc dù Việt Nam duy trì được nền ổn định vĩ mô, nhưng đầu tư của doanh nghiệp (tư nhân và FDI) đều suy giảm; sức mua trên thị trường giảm.
Ông Nguyễn Xuân Thành nêu vấn đề rằng liệu sức mua có hồi phục trong năm 2021 hay không? Xuất khẩu là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam 2020 nhưng liệu Việt Nam có đa dạng được thị trường trong năm 2021 hay không chính là thách thức.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Nguyễn Xuân Thành chỉ ra những điểm sáng của năm 2021 để có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan gồm:
Thứ nhất, ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế: Tăng trưởng nhưng không hi sinh ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng. Cái tốt nhất Chính phủ làm là ổn định vĩ mô. Trong năm 2021, kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô.
Thứ hai, phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố. Chúng ta có điều kiện để giảm lãi suất vay trong năm nay. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, nên là năm phục hồi. Do đó, chúng ta vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021, tiếp tục của năm 2020", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Thứ ba, sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều quan trọng cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh vẫn giữ được ổn định vĩ mô.
Thứ tư, phục hồi sức mua trong nước. Số người mất việc làm đã làm giảm sức mua. Thống kê từ Google cho thấy, lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm đã giảm. Chuyển đổi số là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới.
Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường khác. Tuy nhiên sang năm 2021 sẽ xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN.
Xem thêm: mth.27193153121101202-1202-man-man-teiv-et-hnik-nen-ohc-gnas-meid-5/nv.ahos