Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết Trung Quốc đã quyết định rút 10.000 quân khỏi biên giới tranh chấp với Ấn Độ trong những tuần gần đây, sau khi tính toán khả năng xảy ra xung đột ở dãy Himalaya vào mùa đông này.
Theo đó, một nguồn tin gần với lực lượng quân đội Trung Quốc giấu tên tiết lộ hôm 12-1 rằng “việc rút quân bắt đầu cách đây hơn hai tuần”.
“Một nhóm binh lính trong số 10.000 quân sẽ trở về từ những vùng cao sau hơn một năm làm nhiệm vụ, đây là một phần của sự luân phiên thay đổi binh lính theo lịch trình. Quân ủy Trung ương Trung Quốc chắc chắn cả hai bên sẽ không thể chiến đấu trong thời tiết lạnh giá như vậy ở dãy Himalaya” - nguồn tin cho hay.
Binh lính Trung Quốc làm nhiệm vụ tuần tra ở tỉnh Ali, Tây Tạng. Ảnh: PLA DAILY
Việc rút quân chủ yếu sẽ gồm lực lương quân đội đang làm nhiệm vụ tại các đơn vị ở khu vực Tân Cương và Tây Tạng, SCMP đưa tin.
Cũng theo nguồn tin, “những binh lính này sẽ trở về quê nhà để nghỉ ngơi, nhưng toàn bộ 10.000 quân vẫn sẵn sàng để có thể trở lại tiền tuyến trong vòng một tuần khi cần, bằng đường sắt hoặc thậm chí là máy bay”.
Một số hãng tin Ấn Độ sau đó cũng đưa tin về việc rút quân của chính quyền Bắc Kinh, một dấu hiệu cho thấy tình trạng tranh chấp biên giới tồi tệ giữa hai nước đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều thập niên qua.
Căng thẳng giữa hai nước đã leo thang trở lại vào tháng 6-2020, sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ và một số quân lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Thung lũng Galwan, thuộc vùng Ladakh.
Binh lính Ấn Độ đóng quân ở vùng Ladakh. Ảnh: THE PRINT
Cùng ngày, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane chia sẻ ông kỳ vọng hai nước sẽ tiến hành các cuộc đàm phán để tìm một giải pháp “thân thiện” hơn cho cuộc khủng hoảng biên giới.
"Tôi rất hy vọng vào một tình hình khả quan hơn" - ông Naravane nói.
Ông Yogesh Gupta - cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và là chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn - nhận định việc Trung Quốc rút quân cũng có thể là động lực để Ấn Độ xem xét động thái tương tự.
“Bắc Kinh cho rút quân vì tuyết dày và điều kiện thời tiết khó khăn. Quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm sống với lượng tuyết dày đặc ở biên giới. Vì vậy, việc rút quân sẽ hữu ích cho quân đội của họ” - ông Gupta nhận định.
Cả hai quốc gia đã triển khai 50.000 quân tới các điểm tranh chấp dọc theo biên giới khu vực Đường kiểm soát thực tế (LAC), theo SCMP.