“Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là chủ đề hoạt động năm 2021. Trong ảnh: các bạn trẻ tham gia ngày hội khởi nghiệp tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.
Tổng kết hoạt động năm 2020 ngày 12-1, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải nói dù là năm đầy biến động, hoạt động Đoàn tại TP gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động song tín hiệu tích cực khi các chỉ tiêu phấn đấu của năm đều đạt, tổ chức Đoàn và hoạt động phong trào tại TP đã chuyển động để thích ứng với tình hình mới.
Chia sẻ với thanh niên nhiều hơn
Đại diện báo Tuổi Trẻ - chị Nguyễn Thị Hương - nói hiện trạng người lao động, trong đó tỉ lệ người trẻ mất việc làm khá nhiều, xáo trộn đời sống, nên một trong những nhiệm vụ Đoàn nên tập trung sắp tới là giúp các bạn trẻ tìm kiếm việc làm.
"Đã xuất hiện tình trạng các bạn khi tìm việc online bị một số nơi mượn danh thương hiệu các đơn vị lớn để lừa tiền, nhưng lại không có việc làm. Cơ sở Đoàn hãy thông tin nhiều hơn, kết nối nhiều nơi với các đầu mối cung cấp việc làm uy tín để hạn chế tối đa rủi ro này cho các bạn khi tìm việc" - chị Hương phát biểu.
Các phát biểu đồng thuận với chủ đề năm và đề nghị các chương trình liên quan đến hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp đầu tư cụ thể, quy mô hơn.
Anh Trần Đoàn Hiệp (Q.Bình Thạnh) đề xuất tăng chỉ tiêu hỗ trợ vốn vay giúp các bạn trẻ lập nghiệp, khởi nghiệp từ 300 tỉ lên 500 tỉ đồng để các cơ sở quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong việc đồng hành với các bạn trẻ. Ý kiến này cũng là đề xuất của đại diện Quận đoàn 10 tại phiên thảo luận ở các tổ.
Nhìn góc khác, anh Lâm Thanh Minh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói khởi nghiệp, lập nghiệp còn phải quan tâm đến giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh THPT chứ không chỉ là chuyện khởi nghiệp, làm ăn của các bạn trẻ.
Còn anh Hà Thanh Đạt (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đề nghị Đoàn tìm kiếm, trang bị cho thanh niên các kỹ năng khởi nghiệp phù hợp, bắt kịp xu hướng khởi nghiệp chung chứ không chỉ gói gọn ở các hội nghị, tọa đàm như quen làm.
Tuy nhiên, một vài ý kiến của đại diện các cơ sở Đoàn khu vực công nhân lao động mong muốn cho các bạn được điều chỉnh chủ đề để phù hợp với tình hình thực tế của năm, và hoạt động tại đơn vị đã xác lập trong năm 2021.
Chị Bùi Thị Tố Như (Đoàn Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM) lý giải: "Năm 2020 phần lớn các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khăn và nhiệm vụ của 2021 chính là khôi phục hoạt động. Do đó, chúng tôi muốn điều chỉnh chủ đề sao cho nhiệm vụ của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong năm 2021 gắn bó với đơn vị, cùng chung sức phục hồi sản xuất, kinh doanh, cũng là góp sức phát triển kinh tế của TP".
Tinh thần 90 năm của Đoàn không phải chỉ ngày 26-3, hãy xem đây là cơ hội tốt để Đoàn tham mưu chính sách, là bước khởi động để vận hành năm 2021 tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG (thành ủy viên, bí thư Thành đoàn TP.HCM)
Bạn trẻ TP.HCM tặng dung dịch sát khuẩn hỗ trợ phòng chống COVID-19 cho người dân - Ảnh: Q.L.
Bước chuyển kịp thời
Dẫn chứng việc huy động đội ngũ trí thức trẻ trong việc tạo ra sản phẩm góp sức phòng chống dịch, các y bác sĩ trẻ xung phong trên tuyến đầu và đi vào tâm dịch khi diễn biến của dịch COVID-19 phức tạp, sinh viên ngành y hỗ trợ TP trong xử lý thông tin về dịch bệnh..., các ý kiến nói đều là những việc chưa từng xảy ra trước đó, nhưng tổ chức Đoàn đã xử lý kịp thời trong bối cảnh mới mẻ ấy.
Đó còn là việc chuyển qua hoạt động trực tuyến, tận dụng mạng xã hội làm truyền thông khi không thể tập trung đông người là sự chủ động đáng ghi nhận của Đoàn các cấp.
Các ý kiến đề nghị cần ghi nhận những điều này như điểm sáng của tổ chức Đoàn vận hành cùng xã hội.
Anh Hồ Minh Tân (H.Bình Chánh) than khó khi việc tập hợp thanh niên tại địa bàn dân cư hiện nay không dễ, có nơi thanh niên đi làm ăn xa, không còn đối tượng tham gia sinh hoạt Đoàn. "Cần thực hiện chuyên đề về chi đoàn khu phố, công tác cán bộ để nhận diện rõ hơn việc vận hành của chi đoàn khu phố" - anh Hoàng Quốc Liêm (Q.Tân Phú) nêu ý kiến.
Trong khi đó, anh Lê Sa Lin (Q.Bình Tân) mong muốn phải thoáng hơn với việc sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú, vì thực tế đã gặp trường hợp sinh viên rất tích cực tham gia hoạt động Đoàn trên địa bàn nhưng muốn xin chuyển sinh hoạt về nơi cư trú để đảm nhận vai trò thủ lĩnh tại địa phương, lại không được trường tạo điều kiện.
"Nghiên cứu để có được suất cán bộ Đoàn chuyên trách ở đơn vị đông thanh niên, chẳng hạn có công ty tại quận đến cả trăm ngàn công nhân nhưng chỉ có cán bộ Đoàn kiêm nhiệm nên cũng khó trong hoạt động" - anh Sa Lin chia sẻ.
Nhiều ý kiến tại buổi tổng kết mong được tạo điều kiện trong việc bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho cán bộ Đoàn, vì quy định 30 tuổi mới được học trung cấp chính trị đang gây khó, bước cản cho cán bộ Đoàn.
Hay nói giảm tải hoạt động cấp trên, tạo không gian cho cơ sở chủ động song thực tế số lượng chương trình, hoạt động, hội thi còn khá nhiều, chưa kể số lượng văn bản cũng lớn, đôi lúc lại khá gấp nên phần nào gây khó cho cơ sở.
Nhanh chóng ổn định tổ chức
Bí thư Quận đoàn Thủ Đức Nguyễn Thị Minh Hồng nói Thành đoàn cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thiện bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội đồng Đội của TP Thủ Đức mới thành lập. Song song đó, cấp thành tham mưu cơ chế, chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ Đoàn cơ sở tại xã, phường.
"Sáp nhập cả ba quận thành TP Thủ Đức, số lượng đoàn viên, thanh niên sắp tới sẽ rất lớn. Do đó, cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đoàn, phong trào thanh niên, thiếu nhi nơi đây" - chị Minh Hồng đề đạt.
TTO - Học giỏi, hoạt động phong trào 'sung' là những gì ngắn gọn nhất để nói về Trần Thiện Trường - tân bác sĩ nha khoa vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM, là một trong 244 'Sinh viên 5 tốt' TP.HCM năm 2020.
Xem thêm: mth.41962010221101202-na-mal-nein-hnaht-puig-neyuhc-nab-naod/nv.ertiout