Đề xuất cho bán bảo hiểm Covid-19 để chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Tuy thời điểm nối lại thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa được xác định nhưng trước một số diễn biến mới, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thúc đẩy nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế sau Tết Nguyên đán 2021, một số doanh nhân cho rằng cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể khởi động ngay khi được phép.
Việc chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay không chỉ là các hoạt động quảng bá - tiếp thị, dự báo thị trường, kích hoạt lại chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho du khách mà còn là các chính sách liên quan quyền lợi du khách quốc tế. Trong đó, có bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19.
Tàu du lịch chở du khách trên Vịnh Lan Hạ. Ảnh: Ngọc An |
Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, phải chuẩn bị rất nhiều việc để mảng du lịch quốc tế có thể khởi động lại ngay khi được phép. Trong đó, có các hoạt động dự báo thị trường, nối lại chính sách miễn thị thực, các chính sách bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, xây dựng cơ chế hợp tác xuyên quốc gia...
Trong đó, các chính sách liên quan quyền lợi du khách quốc tế cần sớm được tính toán và nên có chính sách quy định bắt buộc bảo hiểm du lịch y tế, bao gồm quyền lợi bảo hiểm Covid-19 với tất cả khách quốc tế đến Việt Nam và du khách Việt đi du lịch nước ngoài.
Trong Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021, được tổ chức tại Hải Phòng vào ngày hôm qua (12-1), doanh nhân này đề xuất chính phủ, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.
Theo ông, điều này nhằm bảo đảm quyền lợi, an toàn cho khách, doanh nghiệp du lịch và chính quyền trong tình huống phải hủy, hoãn chuyến du lịch cũng như phải thực hiện việc kiểm tra, điều trị bệnh...
Tại một số quốc gia, các chương trình bảo hiểm y tế du lịch liên quan Covid-19, giúp chi trả chi phí liên quan đến các tình huống như nhập viện do Covid-19, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương... Loại bảo hiểm này có thể giúp du khách bù đắp chi phí trong trường hợp chuyến đi bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Hồi đầu dịch, một số công ty bảo hiểm đã bán bảo hiểm Covid-19 cho người dân nhưng sau đó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh này.
Ông Võ Anh Tài cũng cho rằng, nên nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước nhằm giảm áp lực tranh chấp tài chính giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cũng như duy trì nhu cầu du lịch của khách hàng.
Tại Pháp, chính phủ cho phép thay thế tiền hoàn lại bằng hình thức một phiếu mua hàng (voucher) có giá trị tương đương cho một dịch vụ trong tương lai. Khách hàng có thể yêu cầu hoàn tiền sau 18 tháng với các voucher chưa sử dụng.
Để sớm thu hút du khách quốc tế trở lại, Việt Nam nên chuẩn bị để khi điều kiện cho phép, có thể phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho công dân những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, 9 nước trong khu vực ASEAN... Chính sách này đã tạm ngưng từ tháng 3 năm ngoái để ngăn dịch.
Thêm vào đó, nên tính đến cơ chế phối hợp quốc gia, xây dựng cơ chế phối hợp liên quốc gia trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao, giao thông. Việc hợp tác để có các chính sách linh hoạt, kích hoạt nhanh chóng, hiệu quả, có tính đến tác động đến ngành du lịch là cần thiết để hỗ trợ phục hồi du lịch trong điều kiện "bình thường mới”.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng cấp phép các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này. |
Mời đọc thêm:
Đà Nẵng sẽ có thêm khách sạn cao cấp Crowne Plaza 300 phòng
Nghiên cứu việc nối lại chuyến bay thương mại quốc tế sau Tết
Năm 2021: Du lịch Việt Nam mong kiếm tiền 'nhỉnh' hơn năm 2020 một chút
Toàn cảnh du lịch Việt Nam sau 'năm Covid' đầu tiên