Nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ Kurt Campbell - Ảnh: REUTERS
Ông Campbell là nhà ngoại giao về vấn đề châu Á hàng đầu của Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama và được coi là kiến trúc sư của chính sách "xoay trục" châu Á của Washington.
"Tôi có thể xác nhận ông Kurt sẽ là điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng", Hãng tin Reuters ngày 13-1 dẫn lời phát ngôn viên đội ngũ chuyển giao của ông Biden nói.
Kể từ khi rời chính phủ, ông Campbell, 63 tuổi, đã điều hành công ty tư vấn Asia Group và cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Biden. Ông là đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ mới.
Ông Campbell đã vạch ra cách tiếp cận châu Á trong một cuốn sách The Pivot năm 2016, chủ trương củng cố các liên minh hiện có và xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhà ngoại giao này từng tỏ ý tán thành một số chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc cũng như cách giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích chính sách chung của ông Trump tại khu vực châu Á không hiệu quả và phá hoại quan hệ với các đồng minh quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong một bài viết đăng tuần này, ông Campbell đã nhấn mạnh cần sự "tái can dự nghiêm túc của Mỹ" ở châu Á và các liên minh và quan hệ đối tác "đặc biệt" để duy trì trật tự hiện có đang bị Trung Quốc đe dọa.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, có lẽ thách thức lớn nhất của ông Campbell sẽ là tìm cách điều chỉnh lại mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump nhằm cho phép ông Biden hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, đồng thời theo đuổi các chính sách nhằm thay đổi hành vi của Trung Quốc.
Ông Campbell từng cho rằng "tấm vé vào cuộc chơi lớn" của Washington ở châu Á là sự hiện diện quân sự của Mỹ và khả năng ngăn chặn những thách thức từ Bắc Kinh.
Ông cho biết Mỹ cũng phải thể hiện tầm nhìn về "một hệ thống thương mại cởi mở, lạc quan", làm việc với các đồng minh và ngăn Trung Quốc tiếp cận các lĩnh vực cần để duy trì lợi thế vượt trội, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, robot hoặc 5G.
TTO - Giới quan sát lưu ý các quốc gia châu Á không nên trông chờ vào sự trở lại khu vực một cách nhanh chóng của nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden.
Xem thêm: mth.10401617041101202-a-uahc-hcas-hnihc-oad-hnal-mal-llebpmac-truk-gno-nohc-ym/nv.ertiout