vĐồng tin tức tài chính 365

Thuế dịch vụ số: phức tạp ở chỗ nào?

2021-01-14 11:42

Thuế dịch vụ số: phức tạp ở chỗ nào?

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Dịch vụ số ngày càng trở thành một thị trường có giá trị giao dịch khổng lồ và rõ ràng đây là một nguồn thu thuế đáng kể của các chính phủ. Biết vậy, nhưng việc khiển khai thực hiện khiến không ít chính phủ lúng túng.

Ở những nước mà các ông lớn công nghệ GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) có đăng ký kinh doanh thì vấn đề nằm ở chỗ né thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) qua thủ thuật xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong khi ở những nước mà các doanh nghiệp công nghệ không có đăng ký kinh doanh thì vấn đề là ở cả thuế TNDN và thuế giá trị gia tăng (VAT): làm thế nào để thu và thuế suất như thế nào?

Ở những nước doanh nghiệp công nghệ có đăng ký kinh doanh và có chủ ý né thuế TNDN, kế hoạch hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS Action Plan) đã và đang được nhóm G20 và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xúc tiến mạnh mẽ. Lãnh đạo của các nước này đều nhất trí việc đánh thuế, chỉ còn thảo luận ở phương án đánh thuế như thế nào.

Hiện nay có hai phương án đang được cân nhắc. Theo phương án thứ nhất, các quốc gia hay vùng lãnh thổ áp thuế suất riêng của mình, còn cơ sở tính thuế là tỷ trọng doanh thu tại nước đó so với doanh thu toàn cầu và lợi nhuận toàn cầu. Cụ thể công thức như sau:

Thuế phải nộp = Thuế suất quốc gia x (Doanh thu quốc gia/Doanh thu toàn cầu) x Lợi nhuận toàn cầu

Ví dụ, tập đoàn A kinh doanh ở nước X có thuế suất thuế TNDN là 30%. Doanh thu tại nước X so với doanh thu toàn cầu là 25%. Lợi nhuận trước thuế toàn cầu của tập đoàn A trong năm tài chính là 10 tỉ đô la. Như vậy thuế TNDN phải nộp ở nước X là 30%*25%*10 tỉ = 750 triệu đô la (tương đương 7,5%, nhưng mới chỉ là nộp ở nước X).

Riêng đối với thuế TNDN, các nước đang phát triển như Việt Nam khó có tiếng nói riêng của mình mà cần ủng hộ phương án phù hợp với mình hơn trong các thảo luận đàm phán giữa các nước lớn trong nhóm G20 hay OECD.

Phương án thứ hai là thuế suất tối thiểu áp dụng chung toàn cầu, đang được đề nghị ở mức 12-13%. Theo phương án này, nếu thuế suất ở một thiên đường thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu thì quốc gia nơi tập đoàn đăng ký thuế chính (resident) sẽ có quyền thu phần chênh lệch.

Theo nhiều chuyên gia thuế và luật pháp, giải pháp này hay ở chỗ sẽ khiến các quốc gia không chạy đua với nhau để đưa ra mức thuế suất thấp nhất để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Nhưng vấn đề phát sinh là xác định mức thuế suất tối thiểu bao nhiêu để được sự đồng thuận cao, và việc xác định như thế nào là nơi đăng ký thuế chính. Vì theo luật của một số nước, trong đó có Mỹ, thì tập đoàn mẹ đăng ký thuế ở đâu thì nơi đó được coi là nơi đăng ký thuế chính. Nhưng cũng có những nước quy định nơi nào có doanh thu chính thì nơi đó là nơi đăng ký thuế chính.

Ở những nước mà doanh nghiệp công nghệ không có đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế của nước sở tại phải tính toán với cả thuế TNDN và VAT. Một số nước gọi là sắc thuế hàng hóa dịch vụ (GST) nhưng bản chất cũng là VAT. Đối với các dịch vụ số, một số nước trong ASEAN đã áp dụng dụng thuế VAT như Thái Lan (7%), Malaysia (6%), Singapore (7%), Indonesia (10%), Philippines (12%). Cá biệt như Ấn Độ, ngoài mức thuế VAT là 18% thì họ còn áp dụng thuế dịch vụ số (DST) với thuế suất 2%, hàm ý bù cho thuế TNDN.

Tuy vậy, việc áp dụng thuế VAT cho dịch vụ số là không giống nhau ở các nước kể trên. Các nước đều có quy định giá trị giao dịch tối thiểu trong năm để xác định doanh nghiệp nước ngoài có phải đăng ký kê khai và nộp thuế VAT hay không. Chẳng hạn quy định của Singapore là từ 75.000 đô la trở lên, Malaysia là 120.000 đô la, Thái Lan là 57.570 đô la, và Indonesia là 43.000 đô la trong 12 tháng liên tục. Riêng trường hợp của Indonesia còn quy định số người dùng tối thiểu trong năm là 12.000 người.

Trong trường hợp của Việt Nam, Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã đề cập đến việc nộp thuế của nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài không có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng nhiều khả năng thuế suất sẽ là 10%, thay thế cho thuế nhà thầu nước ngoài trước đó cũng là 10% (gồm 5% VAT và 5% TNDN).

Tuy vậy, cái khó trong việc triển khai thuế dịch vụ số, nhất là các giao dịch B2C, ở chỗ làm sao khéo léo và linh động.

Thứ nhất là xác định từ mức doanh thu bao nhiêu trở lên thì doanh nghiệp nước ngoài phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế VAT. Dễ thì lấy mức trung bình của các nước trong khu vực, nhưng muốn có một con số tương đối chính xác thì phải căn cứ vào dữ liệu thực tế. Nếu mức tối thiểu cao quá thì bị bỏ sót, còn nếu thấp quá thì lại không hiệu quả vì chi phí phát sinh cho việc quản lý giám sát.

Thứ hai là mức thuế suất như thế nào là hợp lý. Không giống như hàng hóa dịch vụ được cung cấp trực tiếp, dịch vụ số là không có biên giới và việc chuyển giao là rất nhanh chóng, dễ dàng. Và thuế VAT, người trả cuối cùng là người tiêu dùng.

Thử hình dung một gói dịch vụ số hay trò chơi trực tuyến được bán ở hai nơi có mức thuế suất VAT khác nhau 10-20% thì chênh lệch giá là rất đáng kể. Hiện nay trên thế giới, vẫn có những nước hay vùng lãnh thổ có VAT = 0% như các thiên đường thuế, Brunei, Hồng Kông, Maldives, hay như một số tiểu bang của Mỹ có mức thuế suất VAT thấp hơn 5%.

Trong trường hợp đó, thị trường đen sẽ hình thành như thực tế hiện nay đã có khi một người ở nước này mua hay chia sẻ tài khoản sử dụng hay bản quyền với một người ở một nước khác. Hệ quả là nước có thuế suất VAT cao sẽ bị thất thu thuế.

Riêng đối với thuế TNDN, các nước đang phát triển như Việt Nam khó có tiếng nói riêng của mình mà cần ủng hộ phương án phù hợp với mình hơn trong các thảo luận đàm phán giữa các nước lớn trong nhóm G20 hay OECD.

Việc xác định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ số nào phải nộp thuế VAT là không khó, chỉ cần xác định điều kiện vì tính cho cùng thuế VAT cũng do người tiêu dùng trả chứ không phải doanh nghiệp. Còn khi đã trong diện quản lý thuế thì lịch sử các giao dịch qua địa chỉ IP, hóa đơn có đầy đủ thông tin người mua sẽ đơn giản hơn nhiều với cơ quan quản lý thuế khi cần hậu kiểm. Phức tạp đối với Tổng cục Thuế hiện nay là xác định điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài nằm trong diện quản lý thuế, và xem xét lại mức thuế 10% (nếu áp dụng) có thực sự là tối ưu chưa.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Xem thêm: lmth.oan-ohc-o-pat-cuhp-os-uv-hcid-euht/226213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thuế dịch vụ số: phức tạp ở chỗ nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools