Theo hãng tin CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể được coi là vị "Vua nợ" (King of Debt) trong lịch sử các đời ông chủ Nhà Trắng. Tổng nợ công của nước Mỹ hiện đã tăng thêm gần 7,8 nghìn tỷ USD, đạt 27 nghìn tỷ USD và nhiều khả năng người kế nhiệm Joe Biden sẽ tiếp tục vay nợ để cứu nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù chưa làm lễ nhậm chức nhưng ông Biden mới đây đã tiết lộ gói cứu trợ 2 nghìn tỷ USD nhằm xây dựng lại nền kinh tế Mỹ. Đó là chưa kể đến khoản cứu trợ 900 tỷ USD mới được thông qua vào tháng trước.
Cụ thể, kế hoạch cứu trợ của ông Biden bao gồm khoản tiền 2.000 USD phát đến tay người dân, những khoản hỗ trợ tài chính của chính quyền địa phương và liên bang, trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm… nhằm khôi phục lại cuộc sống cũng như nền kinh tế Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, kế hoạch này của ông Biden là đầy tham vọng và có kích thước vô cùng lớn.
Tổng thống Trump từng cam kết sẽ hạ nợ công của Mỹ trong vòng 8 năm, nhưng có lẽ ông đã thất bại
Nếu kế hoạch trên được triển khai, Mỹ sẽ nợ nhiều hơn nhưng xét trên tình hình kinh tế, dịch bệnh và lãi suất thấp, nhiều chuyên gia đồng tình với kế hoạch trên của các nhà hoạch định chính sách.
"Đây không phải thời điểm để thắt chặt hầu bao. Nền kinh tế hiện nay không thể chịu được cảnh thắt lưng buộc bụng đâu", Chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM nhận định.
Vào tuần trước, khoảng 965.000 người Mỹ đã làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, tăng mạnh so với 784.000 lao động tuần trước đó. Số người thất nghiệp hiện nay tại đây còn nhiều hơn cả thời Đại khủng hoảng. Riêng trong tháng 12/2020, Mỹ đã mất 140.000 việc làm.
"Không cần phải suy nghĩ gì nữa, đây là thời điểm tăng cường chi tiêu công để thúc đẩy nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng", Ông Brusuelas nói.
Canh bạc dốc túi
Theo hãng tin CNN, nền kinh tế Mỹ hiện chỉ vận hành 74% so với thời kỳ trước tháng 3/2020.
"Chúng ta đang gặp khó khăn rất lớn. Nếu không cứu trợ nhanh thì nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thương trong dài hạn. Nếu chúng ta không tung gói cứu trợ và duy trì chúng, mọi người sẽ phải vật lộn với việc thị trường ngày càng teo nhỏ đi", Chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC nhấn mạnh.
Nợ công của Mỹ tính theo GDP đã lên cao mức kỷ lục
Mới đây, Ủy ban trách nhiệm ngân sách liên bang (CRFB) cho biết thâm hụt ngân sách Mỹ có thể lên tới 2,3 nghìn tỷ USD cho năm tài khóa 2021. Với tỷ lệ nợ trên GDP đã đạt tới 108%, Mỹ nhiều khả năng sẽ phá vỡ kỷ lục nợ nần nhiều nhất của năm 1948 sau Thế chiến II.
Trên thực tế, nước Mỹ bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi ngân sách đã bị thâm hụt sẵn. Trước khi đại dịch diễn ra, Mỹ thâm hụt ngân sách đến 1 nghìn tỷ USD do các chương trình cắt giảm thuế của chính phủ.
Bất chấp thực tế đó, Mỹ vẫn phải dốc túi để đổ tiền vào nền kinh tế với kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ quay trở lại và họ sẽ trả hết nợ sau đó. Cho đến thời điểm hiện tại, bình quân mỗi người Mỹ đã phải gánh 23.500 USD nợ công.
Nghiên cứu của trường đại học Chicago và Notre Dame cho thấy gần 8 triệu người Mỹ đã rơi xuống dưới chuẩn nghèo vào tháng 6/2020. Trong khi đó khảo sát cuối tháng 12/2020 của Trung tâm CHPS cho thấy khoảng 27 triệu người lớn tại Mỹ đang sống cùng gia đình không có đủ thức ăn trong 7 ngày qua.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị