Ông Hun Sen, cựu thủ tướng và hiện là chủ tịch thượng viện, kêu gọi người dân không nên vu khống Campuchia, liên quan đến cáo buộc về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.
"Kênh Phù Nam Techo hoàn toàn phục vụ lợi ích kinh tế xã hội, vì nó bổ sung đường thủy cho vùng Tây Nam Campuchia, tăng thêm các tuyến giao thông hiện có dọc sông Mekong", ông Hun Sen thông tin trên mạng xã hội, ngày 9-4.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia cho biết thêm cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp, như cung cấp nước cho canh tác cây trồng, quản lý nước trong mùa mưa, tăng sản lượng cá nước ngọt, cùng nhiều lợi ích khác.
Dự án kênh đào Phù Nam Techo dài 180km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Dự án này đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Bằng cách kết nối các tuyến đường thủy giữa sông và biển của Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo được cho là sẽ giúp thúc đẩy cơ sở hạ tầng và kết nối của quốc gia này.
Theo báo KhmerTimes, việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024.
Trong cuộc gặp với ông Triệu Lạc Tế - Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc (tức Chủ tịch Quốc hội), ngày 28-3, ông Hun Sen cho biết ông kỳ vọng Bắc Kinh có thể hỗ trợ dự án xây kênh.
Ông Hun Sen cho biết thêm dự án tuân theo Hiệp định Mekong 1995, được ký giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Do đó, kênh Phù Nam Techo được cho là sẽ không tác động đến dòng chảy của sông Mekong, vì không nối trực tiếp với Mekong mà nối với sông Hậu.
Gần đây nhất, ngày 12-4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng khẳng định kênh Phù Nam Techo sẽ thúc đẩy kinh tế nước này, đồng thời không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.
"Hiến pháp Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hay ý định phản đối Hiến pháp. Chúng tôi không cho phép bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia", ông Hun Manet nói.
"Chúng tôi không cho phép đất nước của mình trở thành căn cứ cho một quốc gia khác, chứ đừng nói đến một căn cứ quân sự, các hoạt động thù địch không được phép tiến hành chống lại bất kỳ quốc gia nào từ Campuchia" - Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh.
Theo ông Hun Manet, tàu chiến không thể vào kênh Phù Nam Techo vì lớn hơn sức tiếp nhận của kênh, chỉ có tàu chở hàng vào được. Kênh sẽ tiếp nhận tàu chở 3.000 tấn hàng hóa trong mùa khô và 5.000 tấn trong mùa mưa.
Kênh đào đã trải qua quá trình nghiên cứu kéo dài 26 tháng bởi ít nhất 40 chuyên gia, nhằm thiết lập công nghệ ngăn nước biển xâm nhập vào sông Mekong từ kênh, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế về sông Mekong.
Ông Hun Manet làm rõ thêm rằng kênh đào sẽ được các đối tác Trung Quốc xây dựng theo phương thức thực hiện dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) với chính phủ Campuchia.
Việt Nam đề nghị chia sẻ thông tin về kênh đào Phù Nam Techo
Ngày 11-4, khi được một hãng thông tấn nước ngoài hỏi về kênh đào Funan Techo (Phù Nam Techo) ở Campuchia trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, ông Đoàn Khắc Việt - phó phát ngôn Bộ Ngoại giao - trả lời: "Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông Mekong".
Theo ông Việt, Việt Nam cũng đồng thời coi trọng việc tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng khách quan và bảo vệ nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của khu vực, lợi ích của các quốc gia trong khu vực, tương lai của thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông Mekong.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết phía Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào Phù Nam Techo.
"Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực", ông Việt nói thêm.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định sẽ tiếp tục kế hoạch xây kênh đào Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỉ USD nối thủ đô Phnom Penh ra biển.