Ngân hàng thế giới (World Bank) từng kết luận nền kinh tế toàn cầu giảm 4,3% trong năm 2020 do đại dịch, một bước lùi có thể so sánh với thời kỳ Đại khủng hoảng hoặc 2 lần Thế chiến. Tuy nhiên, những con số này không phản ánh đúng thực tế mất mát mà nền kinh tế toàn cầu phải chịu do đại dịch.
Trên thực tế, các con số mà World Bank đưa ra dựa trên việc so sánh nền kinh tế toàn cầu trước và sau đại dịch, chứ không phải giữa kịch bản có và không có dịch Covid-19.
Quay ngược lại lịch sử, World Bank đã từng dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,5% trong năm 2020 trước khi đại dịch diễn ra, đạt mức 86 nghìn tỷ USD. Như vậy trên thực tế kinh tế thế giới thiệt hại tới 6,6% vì đại dịch so với kịch bản không có Covid-19, tương đương 5,6 nghìn tỷ USD (dựa theo tỷ giá năm 2010, mốc so sánh mà World Bank sử dụng).
Với năm 2021, dù nền kinh tế có khả năng tươi sáng hơn thì theo các tính toán, GDP toàn cầu vẫn thấp hơn 5,3% so với dự báo trước đại dịch, tương đương 4,7 nghìn tỷ USD.
Như vậy toàn thế giới sẽ mất khoảng 10 nghìn tỷ USD cho năm 2020 và 2021 vì đại dịch. Để so sánh thì chỉ Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế có GDP hàng năm vượt 10 nghìn tỷ USD. Nếu quy đổi theo tỷ giá hiện nay thay vì năm 2010, số tiền trên sẽ đạt 10,3 nghìn tỷ USD, qua đó đủ sức mua 10 công ty lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán, bao gồm Amazon, Apple hay Saudi Aramco. Số tiền trên cũng đủ sức mua 9 lần lượng bất động sản của toàn thành phố New York.
Theo tờ Economist, hơn 2 nghìn tỷ USD thiệt hại sẽ nằm ở khu vực Châu Âu trong khi Mỹ chịu thiệt hại khoảng 1,7 nghìn tỷ USD. Trong số những nước đang phát triển, Ấn Độ là chịu thiệt hại lớn nhất với khoảng 950 tỷ USD. Trung Quốc dù là nước phát hiện dịch đầu tiên nhưng lại chỉ thiệt hại khoảng 680 tỷ USD.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị