Đại diện Tổ chức FFI trao quyết định công nhận Anh hùng bảo tồn cho ông Lê Văn Hiên - Ảnh: TTXVN
Ông Lê Văn Hiên sinh năm 1961, tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Trước đây, ông Hiên từng là một thợ săn, sau đó ông có những thay đổi về suy nghĩ và quyết định từ bỏ nghề này, đồng thời tích cực tham gia các đoàn khảo sát và nghiên cứu tại rừng Kim Bảng.
Không chỉ có kiến thức tốt về các loài động vật tại rừng Kim Bảng, ông Hiên còn là người rất hiểu biết về các loài thực vật tại đây. Ngoài những đoàn nghiên cứu về linh trưởng, các đoàn nghiên cứu về thực vật cũng thường xuyên nhờ ông Hiên dẫn đường khi tiến hành nghiên cứu tại rừng Kim Bảng.
Những thông tin và hình ảnh do ông Hiên thu thập được là những tư liệu quý giá để các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và thu thập các dữ liệu về đa dạng sinh học tại khu rừng này.
Đầu năm 2016, ông Lê Văn Hiên tiếp tục dẫn các chuyên gia của Tổ chức FFI lên rừng Kim Bảng để khảo sát về loài voọc mông trắng. Những thông tin do ông Hiên cung cấp có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà khoa học và chuyên gia của Tổ chức FFI phát hiện ra quần thể voọc mông trắng lớn thứ 2 thế giới tại rừng Kim Bảng.
Năm 2017, dựa trên những bằng chứng khoa học đã ghi nhận được, Tổ chức FFI phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam tổ chức thực hiện Dự án bảo tồn voọc mông trắng.
Ông Lê Văn Hiên tình nguyện tham gia Tổ bảo tồn cộng đồng và được cử làm tổ trưởng. Ngoài công việc bảo tồn rừng, tháo gỡ bẫy thì định kỳ mỗi tháng, ông và các thành viên trong tổ theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý.
Qua gần 4 năm thành lập và duy trì, đến nay Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng do ông Hiên làm tổ trưởng đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn đa dạng rừng, đặc biệt là loài voọc mông trắng. Từ năm 2016-2018, số lượng voọc được ghi nhận phát triển từ 40 cá thể đến hơn 100 cá thể, cho thấy sự phát triển về số lượng loài voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng.
Theo đánh giá của ông Josh Kempinski - giám đốc Tổ chức FFI, ông Lê Văn Hiên là một nhân tố quan trọng trong công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài voọc mông trắng nói riêng tại rừng Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Ông xứng đáng được Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) phong tặng danh hiệu Anh hùng bảo tồn - phần thưởng dành cho các cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sinh cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn.
Quỹ bảo tồn Disney được thành lập từ năm 1995 nhằm hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên toàn cầu. Bên cạnh việc tài trợ các dự án bảo tồn, hàng năm, quỹ cũng trao phần thưởng cho các cá nhân, các nhóm cộng đồng địa phương có thành tích xuất sắc đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Đến nay, Quỹ bảo tồn Disney đã vinh danh Anh hùng bảo tồn và trao thưởng cho 180 cá nhân thuộc 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, ông Lê Văn Hiên là người thứ hai được nhận danh hiệu này. Trước đó, năm 2017, ông Hoàng Văn Tuệ thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca (tỉnh Hà Giang) cũng đã được vinh danh là Anh hùng bảo tồn.
TTO - Tại Quảng Trị, giếng Chăm cổ được công nhận di tích thì liên tiếp bị phá hoại, trong khi nhiều giếng cổ chưa được công nhận di tích thì lại được người dân bảo tồn hết sức kỹ càng.
Xem thêm: mth.92023857151101202-not-oab-gnuh-hna-hnad-hniv-coud-oig-gnus-cag-nas-oht-iougn/nv.ertiout