vĐồng tin tức tài chính 365

Khó khăn chưa qua, nhưng hạn tái cơ cấu nợ đã hết

2021-01-15 23:12

Khó khăn chưa qua, nhưng hạn tái cơ cấu nợ đã hết

Thụy Lê

(TBKTSG) - Dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN để cho phép tổ chức tín dụng kéo dài việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã từng được đưa ra lấy ý kiến từ cuối tháng 5-2020, nhưng cho đến nay vẫn chưa ra đời. Bước sang đầu năm 2021, thị trường đang chờ đợi thông tư sửa đổi sớm được ban hành.

Khả năng phục hồi của ngành hàng không về lại như cũ là gần như bất khả thi trong tình hình hiện nay. Ảnh: LÊ ANH

Vẫn chưa thoát khỏi khó khăn

Dù kinh tế Việt Nam đã ghi dấu ấn là một trong những nền kinh tế hiếm hoi đạt tăng trưởng dương 2,91% trong năm 2020, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và chưa thể phục hồi như cũ. Số liệu thống kê cho thấy năm 2020 có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.

Chẳng hạn như ngành du lịch và hàng không, khả năng phục hồi về lại như cũ là gần như bất khả thi trong tình hình hiện nay, khi hoạt động du lịch quốc tế vẫn trì trệ.

Trong khi đó, tuy mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể thời gian qua, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn rất nhiều, do đó áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp vẫn khá lớn, trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm do tình hình kinh tế hiện nay.

Đặc biệt, trong khi các doanh nghiệp lớn có thể tái cấu trúc khoản vay từ lãi suất cao sang lãi suất thấp, bằng cách phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu thêm cho cổ đông để tăng vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có lựa chọn hơn, do đó vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng và nhóm này cũng không có nhiều lợi thế để đàm phán, yêu cầu giảm lãi suất vay vốn.

Nếu được gia hạn thời gian tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng sẽ san sẻ, dàn trải áp lực nợ xấu trong khoảng thời gian dài hơn, tận dụng thêm thời gian năm 2021 để tích lũy thêm lợi nhuận, nguồn lực dự phòng để chuẩn bị đối phó với rủi ro nợ xấu nếu nền kinh tế và các doanh nghiệp không phục hồi được như kỳ vọng.

Chính vì vậy, việc gia hạn thêm các giải pháp của Thông tư 01 là cần thiết trong tình hình nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay, để giúp các doanh nghiệp vẫn có điều kiện được gia hạn việc tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, trong khi những doanh nghiệp bây giờ mới “ngấm đòn” ảnh hưởng của dịch bệnh cũng kỳ vọng vẫn còn cơ hội được tiếp cận các giải pháp hỗ trợ trên trong giai đoạn tới.

Giảm áp lực cho ngân hàng

Về phía ngân hàng, việc gia hạn các chính sách của Thông tư 01 cũng là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ hoạt động của ngành xương sống này. Số liệu thống kê cho thấy các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng; miễn, giảm hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.

Với dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 xấp xỉ gần 9,2 triệu tỉ đồng, nếu không nhờ chính sách cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 01, tỷ lệ nợ xấu có thể đã tăng vọt, gây áp lực lớn lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và lợi nhuận trong năm 2020 vừa qua của các ngân hàng, cũng như gây sức ép lên các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, như hệ số an toàn vốn (CAR) khiến mục tiêu mở rộng phát triển kinh doanh hay tăng trưởng tín dụng sẽ càng thêm thách thức.

Khi lợi nhuận có nguy cơ bị suy yếu, các ngân hàng khó có động lực tiếp tục giảm lãi suất cho vay, trong khi đây là yêu cầu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng tích cực trở lại.

Nhưng nếu được gia hạn thời gian tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng sẽ san sẻ, dàn trải áp lực nợ xấu trong khoảng thời gian dài hơn, tận dụng thêm thời gian năm 2021 để tích lũy thêm lợi nhuận, nguồn lực dự phòng để chuẩn bị đối phó với rủi ro nợ xấu nếu nền kinh tế và các doanh nghiệp không phục hồi được như kỳ vọng.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2021 được Quốc hội thông qua ở 6% và Thủ tướng Chính phủ cho biết có thể phấn đấu đạt 6,5%, đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế và thương mại toàn cầu vẫn khá trì trệ, rủi ro dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn còn đó. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì để thúc đẩy nền kinh tế.

Cần linh hoạt hơn về thời gian

Đáng lưu ý là nếu như theo Thông tư 01 việc cơ cấu nợ chỉ cho phép thực hiện đối với khoản vay giải ngân trước ngày 23-1-2020, dự thảo sửa đổi đề xuất bổ sung thêm đối với nợ được giải ngân từ ngày 23-1-2020 đến trước ngày 25-4-2020. Một số ý kiến cho rằng, cố định mức chặn thời gian tại mốc 23-1-2020 hay 25-4-2020 có thể gây ra một số khó khăn nhất định khi triển khai, do mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên từng doanh nghiệp có thể khác nhau về mặt thời gian, có doanh nghiệp có thể bây giờ mới bắt đầu ngấm đòn và không còn nguồn lực để chống chọi.

Không loại trừ khả năng vì tác động của mốc ngày 23-1-2020, nên các ngân hàng dù muốn cho một số doanh nghiệp tiếp tục vay vốn để đối phó với những ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vì lo ngại nếu rủi ro xảy ra sẽ không thuộc diện được tái cơ cấu do giải ngân sau ngày 23-1-2020, nên buộc phải thắt chặt chính sách cho vay và điều này có lẽ đã ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2020, trong khi doanh nghiệp cũng mất đi cơ hội được giải cứu.

Hay như việc kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, theo Thông tư 01 quy định là từ 23-1-2020 đến ngày liền kề sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, dự thảo sửa đổi sau đó xác định lại trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2020, nhưng khi dự thảo sửa đổi còn chưa được ban hành thì năm 2020 đã kết thúc, do đó quy định trong thông tư mới sắp được ban hành có lẽ sẽ cần cách tiếp cận thực tiễn và phù hợp hơn về mặt thời gian, đơn cử như có thể kéo dài cho đến hết năm nay.

Thực tế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết Thông tư 01 sửa đổi sẽ được xác định hợp lý trong vấn đề cơ cấu lại các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng và trong đó cũng xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo các khoản trích lập này phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ cần tiếp tục được nới lỏng, nhưng mặt bằng lãi suất khó có thể tiếp tục giảm mạnh như trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng dù đặt ra mục tiêu ở 12% nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn nhu cầu vay vốn sẽ phục hồi mạnh trở lại, thì việc gia hạn chính sách tái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ và xác định linh hoạt hơn về mốc thời gian cũng có thể được xem là một trong những giải pháp hỗ trợ cho chính sách nới lỏng, từ đó các ngân hàng có thể mạnh dạn giải ngân cho các khoản vay mới cũng như có điều kiện để giảm lãi suất cho vay thêm. 

Xem thêm: lmth.teh-ad-on-uac-oc-iat-nah-gnuhn-auq-auhc-nahk-ohk/026213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khó khăn chưa qua, nhưng hạn tái cơ cấu nợ đã hết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools