“Hiện nay, nhiệm vụ quy hoạch không gian xây dựng ngầm TP được xem xét đồng bộ trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Chưa có đồ án cụ thể chi tiết cho từng khu vực cụ thể” - ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong một lần thị sát không gian ngầm ga Nhà hát TP.
Ảnh: ĐÀO TRANG
Tìm cách quy hoạch không gian ngầm
Theo ông Hưng, Sở QH-KT TP cũng đã có báo cáo gửi UBND TP về việc triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị và quy chế quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị chung TP.HCM. Trong đó, có nêu việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sở QH-KT cho rằng do quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới nên nội dung này trong hai đồ án (của khu trung tâm và khu Thủ Thiêm) quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt chỉ nghiên cứu sơ bộ. Vì thế, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… của không gian ngầm để kêu gọi đầu tư theo định hướng giao thông công cộng.
Ngoài ra, nếu lập riêng một đồ án quy hoạch phân khu không gian ngầm đô thị của hai phân khu trên thì hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý theo ý kiến của Bộ Xây dựng (Bộ Xây dựng cho rằng cần lập đồ án quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị).
Ngoài hai khu vực trên, Sở QH-KT cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận đề xuất chưa triển khai ngay việc thực hiện công tác khảo sát thu thập dữ liệu không gian xây dựng ngầm. Công tác này sẽ do đơn vị tư vấn đề xuất cụ thể đối với các khu vực có dự kiến phát triển không gian xây dựng ngầm.
Sở cũng đề nghị UBND TP chấp thuận đề xuất không tổ chức lập quy chế quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị chung TP. Nội dung này sẽ được quy định trong điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quy định quản lý theo đồ án đang được triển khai thực hiện.
Nên khai thác hợp lý
“Chúng ta có thể thấy hiện nay không gian ngầm đã xuất hiện dự án metro, các ga ngầm cũng hình thành. Không gian ngầm ngoài không gian dành cho các dự án còn không gian ngầm của công trình như tòa nhà…” - KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho biết.
Mặt khác, theo ông Mười, nhiều nơi cũng đã có kế hoạch khai thác không gian ngầm như Công viên 23-9, nhà ga Bến Thành, đường Lê Lợi, Hàm Nghi… “Không gian ngầm có thể giải quyết vấn đề cung cấp một số dịch vụ như giao thông, thương mại kết hợp, nó cũng có thể là điểm đến của du khách khi đến TP.HCM” - ông Mười đánh giá.
Tuy nhiên, KTS Khương Văn Mười cho rằng không dễ để khai thác không gian ngầm khi chi phí khai thác rất tốn kém, cần phải có cơ chế kêu gọi nhà đầu tư khai thác các không gian dưới đất theo quy hoạch.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng nên lưu ý, nhất là khu vực trung tâm vì nếu khai thác không gian ngầm không hợp lý sẽ làm tăng thêm mật độ giao thông. “Dưới đất hay như trên không cũng đều như nhau. Khu trung tâm hiện hạn chế xây nhà cao tầng thì dưới đất cũng cần có quy hoạch, kế hoạch khai thác hiệu quả, đảm bảo mật độ lưu lượng người, xe. Vì khi đi từ dưới đất lên cũng sẽ tạo điểm nghẽn giao thông” - ông Hiển nói.
Ông Hiển góp ý không gian ngầm cần ưu tiên để giảm tải giao thông, tạo thành những “cầu vượt” dưới lòng đất, kết nối metro, kết nối các khu đô thị, còn không gian ngầm mà tăng thêm giải trí, thương mại nhiều quá chắc chắn cảnh tượng không khác gì trên mặt đất.
“Chúng ta phải làm sao đảm bảo quy hoạch chung vì quy hoạch chung là quan trọng nhất, không nên khai thác đến mức phá vỡ mật độ chung. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến đầu tư các bãi đậu xe ngầm để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe” - ông Hiển tiếp tục phân tích.•
Về quy hoạch các bãi đậu xe ngầm, trước đây TP.HCM có tính tới việc làm tám bãi đỗ xe ngầm nhưng đến nay chưa có bãi đỗ xe ngầm nào xuất hiện. Đại diện Sở GTVT TP cho biết có dự án bãi đậu xe ngầm vẫn đang làm các thủ tục để có thể triển khai, cũng có dự án đã dừng hẳn. |
Sẽ có trung tâm thương mại ngầm Bến Thành Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành (quận 1) được TP dự kiến xây dựng có diện tích khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500 m2. Trung tâm thương mại ngầm sẽ được triển khai xây dựng đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến metro số 1 (xây dựng ga ngầm Bến Thành tuyến metro số 1) nhằm giảm thiểu việc phải đào đường thi công. |