vĐồng tin tức tài chính 365

Gác lại tết đoàn viên, khơi lên nhiều tâm sự

2021-01-17 12:57
Gác lại tết đoàn viên, khơi lên nhiều tâm sự - Ảnh 1.

“Nhờ” thất nghiệp, giảm giờ làm mà bữa cơm thời thắt lưng buộc bụng của gia đình bà Bé đông đủ các thành viên - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nhìn đến hoàn cảnh của họ cũng có thể giúp chúng ta bớt đòi hỏi, câu nệ vật chất, biết chia sẻ nhiều hơn để ngày tết vui hơn khi ít nhiều vẫn còn may mắn vui tết bên gia đình.

Đón tết ở nhà xưởng

Trong nhà xưởng của một doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai, nữ công nhân dáng người nhỏ thó Đoàn Thị Ly (26 tuổi) nhanh nhẹn sắp xếp các thiết bị công nghiệp mới ra lò cho vào thùng cactông. Đây là công việc mà chị Ly đã gắn bó suốt 3 năm qua để mỗi tháng sớt chia tiền lương gửi về phụ giúp gia đình tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Vào Nam lập nghiệp từ năm 2018, thế nhưng 2 năm qua Ly đều không về quê ăn tết và năm nay cũng vậy, Ly sẽ ăn tết ở nhà trọ, rồi đến xưởng làm việc sớm. 

Trong đợt lũ lụt lịch sử ở tỉnh Quảng Bình vừa rồi, nhà của Ly là nơi bị lũ nhấn chìm trong nhiều ngày khiến căn nhà cấp 4 xuống cấp nặng nề. Toàn bộ tài sản, vốn liếng chìm trong nước, con bò duy nhất của gia đình cũng chết, 5 tạ lúa cũng lên mầm. 

"Ngớt mưa bão thì tới không khí lạnh, nghĩ cảnh ba mẹ phải ra đồng xoay xở trong cái lạnh dưới chục độ mà xót, cả tuần làm về cứ thức trắng" - Ly tâm sự.

Đang lúc giọng Ly chùng xuống thì chiếc điện thoại đen trắng của Ly bất ngờ đổ chuông. Thấy chữ "mẹ" hiện lên, Ly kể: "Ba mẹ ngoài nhà ưa mình về, cứ nói nghèo thì cũng nghèo rồi, gắng về quê ăn tết cho vui nên nghe thì chỉ muốn khóc thôi". 

Lý do để cô gái này ở lại nhà xưởng chính là tiết kiệm tiền tàu xe trong khi có được mức lương cao gấp ba trong ngày tết để sắm lại cho ba mẹ một con bê. Còn độc thân nên kế hoạch ăn tết của Ly chỉ đơn giản cùng đồng nghiệp trong công ty làm bữa cơm tất niên tại xóm trọ, nghỉ ngơi ba ngày tết rồi trở lại nhà xưởng vào mùng 4 tết.

Từ Sơn La vào Đồng Nai làm công nhân đã 3 năm nay nhưng chưa năm nào chị Bùi Thúy Vân (31 tuổi) về quê đón tết. Theo chị Vân, năm nay mọi khó khăn cứ ập tới càng khiến đường về quê của gia đình thêm "xa vời vợi". 

Chồng chị là anh Nguyễn Bá Trịnh (32 tuổi) thất nghiệp hơn nửa năm, nay mới trở lại làm tài xế taxi được gần 3 tháng. 

Mọi chi phí ở trọ, ăn học của hai đứa con, tiêu pha trong nhà hầu như đều đổ dồn lên mức lương công nhân cơ bản hơn 5,2 triệu đồng/tháng của chị. "Làm quần quật nhưng cuối năm cứ thiếu trước hụt sau. Nhà có bốn người mà đi từ đây ra tận Sơn La thì ngót tháng lương vẫn chưa đủ tiền vé xe" - chị Vân chia sẻ.

Giữa nắng gắt, Lê H. (19 tuổi) thẫn thờ ngồi bệt xuống đất, ngả lưng dựa hẳn vào cổng tường ký túc xá khu A - ĐHQG TP.HCM sau chuyến xe đường dài. H. đang là sinh viên năm hai Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). 

Ngoài giờ học, nam sinh viên này chạy xe ôm công nghệ kiếm thu nhập trang trải tiền trọ, tiền ăn. Như năm trước, năm nay H. dự định không về Quảng Bình ăn tết cùng gia đình, mà ở lại xin vào làm phục vụ tại một nhà hàng ở quận 1. H. nói gia đình ở quê nhà rất khó khăn, đợt vừa rồi lũ lụt khiến gia đình thêm khốn khó nên khoản thù lao gấp bốn - gấp năm đợt tết sẽ là khoản tiền lớn cho H. và gia đình. 

Năm ngoái, H. làm từ chiều 28 tết đến tối mùng 5 được gần 7 triệu đồng, chưa kể được khách "xộp" lì xì. "Tết thì xe đò đắt đỏ, sinh viên cũng đâu có nhiều dịp kiếm được nhiều tiền như vậy, nên gắng tí để phụ giúp mẹ cha" - H. nói.

Gác lại tết đoàn viên, khơi lên nhiều tâm sự - Ảnh 2.

Mức lương thưởng là 300% nếu tăng ca dịp tết là động lực giúp chị Bùi Thúy Vân đỡ tủi thân khi ăn tết xa quê - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Khao khát tăng ca

Lên thành phố làm việc đã gần 20 năm, bà Trần Thị Bé (51 tuổi, quê Kiên Giang) chia sẻ chuyện tưởng vui mà buồn: bữa cơm gia đình đông đủ. 

Lý do: bà Bé thất nghiệp, chồng làm công nhân cơ khí và con gái là Kiều Loan (24 tuổi) đang làm công nhân may đều được cho tan ca về sớm. "Trước đây ba người làm còn đỡ, nay ổng và bé Loan làm tháng được có hơn 20 công, lương một người chưa tới 4 triệu đồng, khó sống lắm" - bà Bé tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (43 tuổi, quê Sóc Trăng) - công nhân làm hàng gia dụng tại quận Tân Phú - nói tăng ca lại đang là khao khát của bà và cũng là của bất kỳ công nhân nào. Nếu trước đây được tăng ca, hiện bà Hạnh chỉ có thể làm tới 15h30, chưa đủ 8 tiếng mỗi ngày, từ đó lương cũng giảm hơn 1/3 so với trước. 

Lương giảm nhưng vẫn phải chi tiêu cho ăn ở và dù đã thắt lưng buộc bụng hết mức, bà Hạnh nói rằng chẳng biết tết còn đủ tiền về quê hay không. "Nói về quê gần thì gần vậy, chứ cũng phải có ít tiền mua bịch bánh đặt trên bàn thờ, lốc sữa cho cha cho mẹ, còn lì xì cho mấy đứa trẻ nữa..." - bà Hạnh nói.

Vợ chồng anh Đoàn Hưng và chị Thúy Diễm (cùng 34 tuổi, quê Quảng Trị) lại không quá may mắn để có thể nghĩ về việc tăng ca bởi cách đây 3 tháng, cả hai đều bị công ty cho thôi việc vì không có đơn hàng. 

Chị Diễm nay ở nhà nuôi con, còn anh Hưng đành đi làm thợ hồ kiếm sống qua ngày. Hỏi câu chuyện chuẩn bị tết đến đâu, cả hai anh chị đều thở dài: "Năm trước vợ chồng ở lại, nói để dành năm nay về luôn nhưng giờ thì tới tiền nhà mỗi tháng còn không lo nổi thì tiền đâu về. Mấy anh bạn cũ ở công ty có nói sẽ xin vé xe miễn phí cho về nhưng chắc thôi".

Còn với những lao động tự do, làm nghề hát rong bán dạo như anh A Phúc (28 tuổi) cũng mong ước cuối năm có thêm chút thu nhập để về quê Đắk Lắk đón tết. Thường nhật anh Phúc chỉ ra đường đi hát từ chiều tới gần tối lại về nhưng vì gần tết, cần chi tiêu nhiều hơn nên anh cũng phải "tăng ca" để cuối năm mua thêm ít bánh trái mang về quê. 

"Thấy mắt tôi mù nên có chị kia cho vé xe miễn phí về rồi, nhưng muốn dành dụm ít tiền mua đôi dép, cái áo cho đứa cháu nên phải gắng. Tết mà, ai cũng muốn cho gia đình đủ đầy" - anh Phúc nói.

Gác lại tết đoàn viên, khơi lên nhiều tâm sự - Ảnh 3.

Mù hai mắt, A Phúc nhờ xe ôm chở đến một ngã tư trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) hát rong, bán dạo - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Không dám nghĩ đến... tết

Với nữ sinh viên năm 2 quê Bình Định Phạm Nguyễn Thanh Hoa, năm nay chuyện "ăn tết rất xa vời". Cả Hoa và mẹ là bà Phạm Thị Hương (44 tuổi) đều đang trọ ở TP.HCM. Công việc làm bánh tráng ở quê gặp khó khăn nên bà Hương đành vào TP kiếm sống bằng nghề giúp việc.

Theo bà Hương, sống ở TP nào là tiền trọ, tiền điện, tiền gửi về cho chồng ốm đau ở quê và một đứa con đang còn học THCS là đã vơi đi tiền thù lao. Để lo cho kỳ thi sắp tới, Hoa đành tạm gác lại việc làm gia sư - công việc giúp cô trang trải tiền trọ học bấy lâu nay và dự tính kết thúc kỳ thi sẽ đăng ký làm thêm thời vụ ở các siêu thị.

"Năm trước tôi được về quê đón tết bằng xe 0 đồng, nhưng năm nay không biết thế nào. Có xe về mà không có tiền mua sắm cho gia đình thì cũng vậy, tết còn xa lắm" - Hoa kể.

Người đã về quê thì ở thế phải về

Bà Nguyễn Thị Ly (47 tuổi), quản lý tại một xóm trọ trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), nói chưa bao giờ trong suốt hơn 10 năm làm quản lý trọ bà lại thấy người lao động khó khăn như bây giờ.

Đó là những lần công nhân nợ hai, ba tháng tiền trọ không thể trả, những tốp người lao động nghèo lũ lượt bỏ về quê khiến dãy trọ 26 phòng của bà đang có đến 7 phòng trống…

"Một tháng điện, nước cũng gần 3 triệu đồng nên nhiều người thất nghiệp, không có tiền trả đành cuốn ít quần áo rồi bỏ đi khi nào chẳng hay. Bà chủ cũng không trách móc gì, họ không tiền nên mới làm thế, chứ còn bắt ở lại họ cũng tiền đâu mà trả" - bà Ly tâm sự.

Hẹn tết sau về nhàHẹn tết sau về nhà

TTO - Ai cũng muốn được về nhà ăn tết, nhưng tết chỉ thực sự có ý nghĩa nếu đó là một cái tết an toàn cho tất cả mọi người. Để rồi năm sau hi vọng dịch bệnh được đẩy lùi, để ai ai cũng có thể ùa về quê hương, hòa vào ngày hội lớn - tết ở quê nhà.

Xem thêm: mth.88400631261101202-us-mat-ueihn-nel-iohk-neiv-naod-tet-ial-cag/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gác lại tết đoàn viên, khơi lên nhiều tâm sự”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools