- Dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại nhiều điểm lễ hội vẫn sôi động
- "Nữ quái" lừa đảo hơn 500 triệu từ dịch vụ đổi tiền lẻ
- Hà Nội yêu cầu chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ tại lễ hội
Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân tăng cao nên trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, hội nhóm..., các cá nhân liên tục rao bán, đổi tiền lẻ với nhiều mệnh giá. Nhiều giá cả khác nhau với những lời quảng cáo có cánh như chi phí thấp nhất, cam kết tiền mới nhất, giao dịch nhanh nhất, 100% tiền mới, tiền thật...
Loạn giá đổi tiền lẻ
Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lẻ” trên Google sẽ hiện ra hàng nghìn kết quả, quảng cáo đổi tiền lì xì mới năm 2021. Tùy từng chủ hàng, từng cá nhân mà chi phí đổi tiền sẽ có sự chênh lệch khác nhau. Nhưng thường dao động từ 3-15%. Càng tiền mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng thì chi phí càng đắt từ 10-15%. Tiền càng mệnh giá lớn như 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng thì giá đổi từ 3-7%.
Nếu như những năm trước, các trang mạng rao bán tiền lẻ công khai chi phí giá cả đổi tiền lẻ thì năm nay, tất cả chi phi đều được giấu kín, khách hàng cần thì inbox trực tiếp fanpage hoặc số hotline của trang... Các chủ hàng cũng rút vào “hoạt động bí mật” trong các hội nhóm kín.
Chúng tôi liên hệ với một số điện thoại khu vực Bạch Đằng, Hà Nội xin đổi 50 triệu tiền 50.000 đồng thì người này cho biết chi phí là 5,5%. Càng đổi nhiều thì sẽ càng được giảm giá từ 0,2-0,3%. Để đảm bảo an toàn, người này đề nghị chúng tôi đến tận nơi để nhận tiền hoặc hẹn nhau tại khu vực Nhà hát Lớn. Đồng thời, anh này cũng khẳng định, tiền mới 100%, đủ seri và trước khi tắt máy, không quên dặn nhanh tay đổi tiền nếu không sẽ hết vì đang có khá đông khách hàng “xếp lốt”.
Tiếp tục liên hệ với một số điện thoại ở TP Hồ Chí Minh để đổi 20 triệu tiền 10.000 đồng và 10 triệu tiền 5.000 đồng, thời gian nhận tiền là cuối tháng 1-2021, chị này cho biết: “Nếu bạn không đổi sớm thì càng gần tết, tỉ giá càng cao, lại không có tiền mà đổi. Phí đổi tiền 10.000 đồng, 5.000 đồng là 4%”. Khi hỏi tiền 1.000 thì chị này cho hay, tỉ giá là 15%, 2.000 đồng là 5% càng tiền mệnh giá nhỏ thì chi phí đổi càng cao. Muốn gửi tiền ra Hà Nội chỉ có thể gửi xe khách hoặc giao hàng tiết kiệm, có chi phí bảo hiểm. Cứ 10 triệu đồng thì phí ship kèm bảo hiểm là 200.000 đồng...
Vào các trang nhóm đổi tiền lẻ, giao dịch luôn sôi động. Một chủ Facebook quảng cáo công khai trong nhóm “Đổi tiền mới, đổi tiền lì xì” chi phí đổi tiền lẻ là: 10.000 đồng - 6%, 20.000 đồng - 7%, 50.000 đồng - 6%, 100.000 đồng - 2% với lời mời chào có đủ mọi mệnh giá, đổi từ 1 triệu đồng trở lên.
Phí đổi tiền lẻ, tiền mới được công khai trên các hội nhóm kín. |
Theo khảo sát của phóng viên, do nguồn tiền lẻ khan hiếm, phí đổi cao nên một số website không chỉ nhận đổi tiền mới nguyên cọc, nguyên seri mà còn nhận đổi tiền lẻ đã qua sử dụng có độ mới từ 80%, với chi phí 2-3%. Không chỉ đổi tiền mới, trên Facebook, một số người còn nhận đổi những loại tiền Việt Nam không còn in và có giá trị lưu hành với phí đổi cao ngất ngưởng. Điển hình, loại tiền 100 đồng in năm 1991 hiện có giá dao động quanh mức 25.000 - 30.000 đồng/tờ, mệnh giá 10.000 đồng loại giấy cotton màu đỏ, in năm 1993 có giá 40.000 - 50.000 đồng/tờ. Tiền mệnh giá 20.000 đồng in năm 1991 giá 50.000 đồng/tờ.
Chị C.T., chủ một Facebook chuyên sưu tầm và bán tiền mới, tiền in từ những năm 1990 với số seri siêu đẹp cho biết, nhà chị nhiều năm nay chuyên kinh doanh tiền lẻ, tiền mới, tiền seri số đẹp. Nắm bắt tâm lý nhu cầu người dân muốn đổi tiền mới trong khi ngân hàng nhiều năm liền không phát hành tiền lẻ mệnh giá nhỏ nên năm nào chị cũng gom tiền mới lưu trữ lại. Đặc biệt là tiền có số seri đẹp.
“Đời sống nâng cao nên không chỉ nhu cầu là tặng nhau, mừng tuổi nhau tiền mới mà phải là tiền đặc biệt như đồng tiền phát hành nhân dịp kỉ niệm thành lập ngành ngân hàng, hay tiền có seri trùng ngày sinh hay số đẹp như tứ quý, ngũ quý... Nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu chỉ để đổi lấy 1 tờ đô la có biểu tượng con giáp của năm đó, hay đồng tiền in bằng giấy không còn phát hành tại Việt Nam... Càng gần tết càng cháy hàng, không có tiền mà đổi cho khách nên cứ phải tích trữ gom góp từ đầu năm. Ngoài nguồn từ các ngân hàng thì một số nhà chùa cũng thường xuyên có nhu cầu đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn”, chị C.T bật mí cho biết.
Kinh doanh tiền lẻ là trái pháp luật
Có cung ắt có cầu. Càng nhiều người có nhu cầu đổi tiền lẻ tiền mới đi mừng tuổi, lễ chùa, biếu tặng thì dịch vụ buôn bán, kinh doanh đổi tiền lẻ càng phát triển. Thực tế, thói quen về việc đổi tiền mới để mừng tuổi, tiền lẻ để đi lễ đã hình thành nhiều năm nay nên để thay đổi không phải việc đơn giản. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ, thay vì đặt quá nhiều nơi trong đền, chùa, người dân chỉ cần sử dụng một tờ tiền có mệnh giá lớn hơn tại một nơi, hoặc gửi vào hòm công đức và không nhất thiết phải sử dụng tiền mới.
Tiền mới seri đẹp có phí đổi khá cao. |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cho biết: “Câu chuyện tiền mới xuất phát từ tâm lý của người dân là muốn vật phẩm, quà mừng, tiền mừng... sáng sủa, đẹp đẽ, tươi tắn và có một chút niềm tin rằng đã là năm mới thì mọi thứ cũng phải mới. Nên không chỉ là vật phẩm, quà mừng, mà tất cả mọi thứ cũng đều phải mới. Tâm lý ấy đã tồn tại lâu đời và trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Hiện nay, nảy sinh xu hướng có thể nhiều người muốn mừng tuổi đồng tiền mệnh giá lớn hơn, tức là coi trọng giá trị đồng tiền thì đương nhiên họ không câu nệ câu chuyện là mới nữa. Cũng phải khẳng định rằng không có một giá trị nào, một niềm tin tuyệt đối nào là nhất thiết đồ mừng phải là đồ mới thì mới chuyển tải được thông điệp mừng tuổi, mừng xuân. Thế nhưng, hiện tại xu hướng vận động trong tâm thức của chúng ta, trong xã hội hiện nay thì bằng mọi cách có được đồng tiền mới, tức là họ chấp nhận mất nhiều tiền hơn để đổi tiền cho dù mệnh giá nhỏ, đây cũng vẫn là xu hướng xuất phát từ tâm lý, từ văn hóa lâu đời của người dân. Thế nên thay đổi là không dễ.
Việc Nhà nước không phát hành tiền lẻ nhiều năm liền nhưng trên thực tế vẫn có một lượng tiền mới được lưu thông từ chính những người trong giới ngân hàng, tài chính và có nhiều người nhìn thấy được cơ hội làm ăn nên tích trữ, sưu tầm từ trước để đến gần tết mới bung ra để thu lợi nhuận. Nếu có tiền mới thì tốt, còn không nhất thiết phải bằng mọi giá, huy động mọi nguồn lực để có được tiền mới làm gì vì tiền mới chỉ tạo nên hình thức còn không thay đổi được bản chất giá trị của những vật phẩm hay tiền mừng tuổi”.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm đổi tiền mới trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. |
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, việc đổi tiền lẻ tự phát, không đúng quy định pháp luật sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng. Theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch của tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động tín dụng là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như: Đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá... sẽ bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, theo điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần.
Việc đổi tiền chỉ được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng và trong những trường hợp luật định.
Việc đổi tiền lẻ trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cao, bởi tiền được bó kĩ thành cọc, thếp. Đổi tiền xong, khách hàng cũng không kiểm tra được hết bởi những đối tượng đổi tiền chỉ biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng, do đó ẩn chứa nhiều rủi ro có thể đổi thiếu, tiền bất hợp pháp. Khi đổi trúng tiền giả thì người dân còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có.
Trâm AnhXem thêm: /663726-ioh-ax-gnam-nert-el-neit-iod-uv-hcid-gnoN/oahT-ehT-aoh-naV-et-hniK/nv.moc.dnac.gtna