CNBC đưa tin, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này tiếp tục suy giảm trong tháng 9.
Cụ thể, xuất khẩu đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 7,6% của các chuyên gia trong cuộc thăm dò của Reuters. Nhập khẩu cũng giảm 6,2% so với một năm trước - cao hơn một chút so với mức giảm 6% được dự đoán. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm liên tục trong năm nay, bắt đầu từ tháng 5. Còn nhập khẩu, tăng trưởng lần cuối là vào tháng 9 năm ngoái.
Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2023 xuống 5% từ mức 5,2% và giữ nguyên mức 3% đối với GDP toàn cầu trong năm nay. Trung Quốc dự kiến sẽ báo cáo doanh số bán lẻ tháng 9 vào ngày 18/10, cùng với dữ liệu GDP quý III.
Hiện tại, nước này cũng đang thúc đẩy thương mại với các đối tác khu vực ở Đông Nam Á cũng như các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường. Tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc cho biết họ đã có tàu chạy tới 217 thành phố ở 25 nước châu Âu.
Vừa qua, các quan chức Trung Quốc cũng thông báo hàng hóa vận chuyển dọc theo các tuyến đường sắt này chiếm 8% thương mại Trung Quốc - EU vào năm 2022, tăng từ 1,5% vào năm 2016.
Trung Quốc cũng tuyên bố kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước đối tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đạt 19,1 nghìn tỷ USD từ năm 2013 đến năm 2022 - với mức tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm là 6,4%.
CNBC đưa tin, giá tiêu dùng của Trung Quốc không thay đổi trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo sẽ tăng trưởng 0,2% trong một cuộc thăm dò của Reuters. Tuy nhiên, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 0,8% trong tháng 9 so với một năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng được ghi nhận vào tháng 8. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 đã giảm 2,5% so với một năm trước đó, dự đoán là giảm 2,4%.
Theo CNBC, báo cáo lạm phát vừa công bố đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có nguy cơ giảm phát. Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Công ty Pinpoint Asset Management cho biết: “CPI ở mức 0 cho thấy giảm phát ở Trung Quốc vẫn là một nỗi lo đối với nền kinh tế”.
Giá thực phẩm yếu hơn là lực cản lớn đối với giá tiêu dùng trong tháng 9, mặc dù Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết điều này là do giá thực phẩm lên cao vào năm ngoái. Cụ thể, giá thực phẩm của Trung Quốc đã giảm 3,2% trong tháng 9 so với một năm trước đó. Giá rau củ cũng giảm 6,4%. Còn lạm phát giá dịch vụ ở mức cao nhất 19 tháng - tăng 1,3%. Đặc biệt, giá thịt lợn tháng 9 - loại thịt chủ yếu trong chế độ ăn của người Trung Quốc - đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tham khảo CNBC