Phân tích những mặt tích cực, ông Mãi cho rằng từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chính quyền đô thị cho đến nay, có thể khẳng định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, nền công vụ có chuyển biến tích cực.
"Tổ chức bộ máy được tinh gọn, bước đầu khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Đội ngũ cán bộ, công chức chú trọng nâng cao phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tinh thần phục vụ nhân dân", chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Trong đó, TP Thủ Đức bước đầu có cơ chế để tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động. Bên cạnh đó, ông Phan Văn Mãi cho rằng chính quyền đô thị là cơ sở để thúc đẩy chính quyền số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP.HCM đã phát hiện kịp thời các bất cập để chấn chỉnh. Đó là việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa triệt để; bất cập trong việc tổ chức biên chế.
Không chỉ vậy, thực hiện chính quyền đô thị, các địa phương thiếu sự chủ động ở một số công tác như điều hành ngân sách, đầu tư.
"Ở đây không chỉ thiếu chủ động để điều hành nhanh mà đôi khi còn làm mất động lực. Như việc thu ngân sách, các địa phương mong muốn có kết dư ngân sách để chủ động thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết đô thị nhưng hiện nay không còn thực hiện được. Ngoài bị động về công việc còn mất đi động lực về quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Mãi nhận định.
Việc thực hiện quyền làm chủ của người dân khi không tổ chức HĐND quận, phường phải tiếp tục được nghiên cứu. Chính quyền phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe nhân dân và được nhân dân giám sát.
Sau những phân tích trên, chủ tịch UBND TP.HCM nhận định tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là phù hợp nhưng cần tiếp tục hoàn thiện.
Với những bất cập, UBND TP đã tập hợp đầy đủ nhưng để điều chỉnh theo thẩm quyền. Những nhóm công việc ngoài thẩm quyền, UBND TP.HCM sẽ tích cực đề xuất trung ương nghiên cứu sửa đổi nghị quyết 131 và nghị định 33.
Nghiên cứu khung pháp lý cho một siêu đô thị
Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các cấp tập trung xây dựng chính quyền các cấp, cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả; cải cách hành chính.
Trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm ở từng cơ quan, xây dựng và triển khai khung năng lực cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết bất cập về biên chế của TP.
Đẩy nhanh xây dựng chính quyền số để đến cuối năm 2025, TP cơ bản chuyển hoạt động nền hành chính lên nền tảng số.
Nghiên cứu và triển khai các biện pháp phát huy quyền làm chủ của người dân, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị tại TP, để chuẩn bị cho tổng kết 5 năm thực hiện, có định hướng triển khai thời gian tới.
"Đây là nhiệm vụ tương lai nhưng rất quan trọng. Chúng ta thực hiện nghị quyết 131 nhưng cũng có bất cập, TP đề xuất sửa đổi nghị quyết 131. Như vậy sau 5 năm, chúng ta có sửa tiếp hay chúng ta đề xuất một khung pháp lý. Nói cách khác là TP cần cái áo rộng hơn, phù hợp hơn cho vai trò lớn hơn. Chiếc áo cho một siêu đô thị mà dân số có thể không dừng lại ở 10, 13 triệu người mà có thể là 15, 16 hay 20 triệu dân", ông Mãi nói.
Không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường
Thực hiện nghị quyết 131, TP.HCM không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Đồng thời, điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP.HCM, UBND, chủ tịch UBND quận phường trong điều kiện không tổ chức HĐND.
Mục tiêu là nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.
Bất hợp lý trong phân bổ biên chế, thiếu tính chủ động khi cấp ngân sách cho các nhiệm vụ phát sinh... vẫn còn nhiều rối ren sau 3 năm TP.HCM áp dụng mô hình chính quyền đô thị.