Biến thể 501Y.V2 được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 10-2020 - Ảnh: AFRICA NEWS
TS dịch tễ học Maria Van Kerkhove (Mỹ) giải thích tuy biến thể ở Nam Phi có đột biến giống biến thể ở Anh nhưng thật ra hai biến thể khác nhau. Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục ở Nam Phi để tìm hiểu vấn đề này.
Đến nay Nam Phi đã có hơn 1,3 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 37.000 ca tử vong.
Dễ lây lan hơn
Ngày 18-1 (giờ địa phương), sau quá trình khảo sát dữ liệu thu thập từ các ổ lây nhiễm chính ở Nam Phi, GS dịch tễ học Salim Abdool Karim - đồng chủ tịch hội đồng khoa học thuộc Bộ Y tế Nam Phi cho biết biến thể mới 501Y.V2 ở Nam Phi có khả năng lây truyền cao hơn 50% nhưng không có dấu hiệu cho thấy biến thể mới này nguy hiểm hơn.
Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10-2020 tại Nam Phi. Hơn một tháng sau, biến thể này đã chiếm 90% bộ gen được các nhà khoa học Nam Phi giải trình tự.
GS dịch tễ học Salim Abdool Karim - Ảnh: mg.co.za
GS virus học Tulio de Oliveira đứng đầu phòng thí nghiệm Krisp ở Nam Phi nhận định: "Chúng tôi chưa từng thấy dòng virus nào lây lan nhanh như vậy".
GS Anne-Claude Crémieux - thành viên Học viện Y học quốc gia Pháp ghi nhận: "Tất cả những gì chúng tôi biết đến nay là biến thể này nhanh chóng chiếm ưu thế so với các chủng virus khác".
Biến thể 501Y.V2 ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể và gây bệnh cùng một cách. GS Tulio de Oliveira cho biết nó gây ra các dạng triệu chứng giống nhau ở Nam Phi và các nhà khoa học đang tìm hiểu vấn đề này trên phạm vi toàn cầu.
Có thể tiến hóa và thích nghi
GS Tulio de Oliveira nhận định biến thể Nam Phi hung hãn hơn vì xâm nhập tế bào dễ dàng hơn.
Ông giải thích: "Tương tự các virus khác, SARS-CoV-2 đột biến theo quá trình tự nhiên. Các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu tác động của hiện tượng đột biến này đối với hành vi của virus, phản ứng của cơ thể đối với virus, đặc biệt khi virus lây lan dễ dàng hơn hoặc dẫn đến bệnh nghiêm trọng hơn cũng như khi virus có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch".
GS Alex Sigal ở Viện Nghiên cứu y tế châu Phi lo ngại: "Thế giới đã đánh giá thấp loại virus (biến thể) này. Loại virus này có thể tiến hóa và thích nghi".
Chuyển người nhiễm COVID-19 nhập viên ở Pretoria (Nam Phi) ngày 15-1 - Ảnh: AFP
Kênh truyền hình Farnce Info (Pháp) ghi nhận tuy biến thể 501Y.V2 không gây tử vong nhiều hơn nhưng lại có một đặc điểm đáng lo ngại. Chúng có thể chống lại các kháng thể.
Song các nhà khoa học khẳng định không có bằng chứng chứng minh vắc xin COVID-19 tác động kém hiệu quả hơn đối với biến thể Nam Phi này.
Biến thể Nam Phi hiện đã hiện diện trên 20 quốc gia. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để hiểu thêm về biến thể này.
Pháp cảnh báo thêm nhiều ca lây biến thể từ Anh
Ngày 18-1, Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM) công bố dự báo biến thể virus mới phát hiện ở Anh sẽ "thống trị" số ca lây nhiễm ở Pháp từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3-2021.
Dự báo ghi nhận số ca nhập viện hàng tuần sẽ đạt đỉnh điểm đầu tiên từ giữa tháng 2 và đầu tháng 4-2021 nếu không có biện pháp can thiệp. Dự báo chưa tính đến tác động của biến thể Nam Phi.
INSERM đề nghị để đối phó với biến thể ở Anh, cần tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19.
TTO - Tổ chức Y tế Thế giới ngày 5-1 khẳng định hiện chưa có chứng cứ nào cho thấy biến thể virus corona ở Nam Phi lây lan nhanh hơn biến thể virus ở Anh.